Được làm việc trong những cơ sở được TP HCM đầu tư hiện đại, những nhà khoa học trẻ đã phát huy được thế mạnh của mình, chuyên tâm nghiên cứu khoa học để tạo ra những bước tiến mới trong công nghệ sinh học và công nghệ y sinh. Họ là minh chứng cho khát vọng đưa nền kinh tế tri thức Việt Nam phát triển, mang lại những giá trị to lớn cho khoa học nước nhà, giúp người dân có cuộc sống ngày một tốt hơn.
TS Nguyễn Thị Lệ Thủy với công việc hằng ngày tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM
Hạnh phúc khi được cống hiến
Gần 20 năm không ngừng học tập và nghiên cứu khoa học, có thể nói TS Nguyễn Thị Lệ Thủy - 39 tuổi, Tổ trưởng Tổ nuôi động vật thí nghiệm của Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM - đã dành cả tuổi thanh xuân cho nghiên cứu khoa học, trong đó phần lớn là lĩnh vực y sinh.
TS Thủy cho biết mình bén duyên với lĩnh vực này kể từ khi còn học phổ thông. Trong một lần đọc được những bài viết về công nghệ sinh học, nhận thấy đây là ngành còn khá mới tại Việt Nam, ít người học nhưng có thể là ngành rất cần thiết trong quá trình phát triển đi lên của đất nước.
Kể từ đó, chị Thủy quyết tâm đi theo ngành này nên sau khi tốt nghiệp Khoa Sinh học và Công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM, chị tiếp tục sang Cuba học thạc sĩ để nâng cao trình độ. Chưa dừng lại ở đó, con đường học vấn của chị lại tiếp tục với học bổng nghiên cứu sinh tại Nhật Bản. Nỗ lực không mệt mỏi đó đã được đền đáp xứng đáng khi chị bảo vệ thành công luận án, trở thành tiến sĩ y sinh trên đất nước mặt trời mọc.
Về nước, chị tiếp tục cống hiến cho khoa học bằng hàng loạt đề tài nghiên cứu phục vụ chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản và cả trong y học. Nghiên cứu mà TS Nguyễn Thị Lệ Thủy tâm đắc là đề tài "Tạo chế phẩm Chicken-Feron và Pig-Feron tái tổ hợp ứng dụng trong phòng và trị bệnh do virus trên gia cầm và heo". Đề tài này đã phát huy hiệu quả phòng bệnh tốt trên đàn heo nái, heo thịt, heo con và heo nọc. Kết quả của nghiên cứu này là cơ sở cho việc mở rộng quy mô sản xuất và sử dụng 2 chế phẩm phục vụ cho phòng và điều trị các bệnh do virus gây ra trên gia cầm và gia súc.
Là phụ nữ nên trong nghiên cứu khoa học về lĩnh vực y sinh, TS Thủy cho biết gặp không ít khó khăn nhưng cũng có nhiều thuận lợi. Khó khăn lớn nhất với chị có lẽ là thời gian dành cho gia đình quá ít khi phải đi công tác dài ngày. "May mắn là tôi được làm việc trong một trung tâm được thành phố quan tâm, đầu tư trang thiết bị hiện đại, giúp việc nghiên cứu, thí nghiệm diễn ra thuận lợi. Bên cạnh đó, tôi vinh dự khi được làm việc với những đồng nghiệp giỏi về chuyên môn và cùng chung chí hướng nghiên cứu khoa học" - TS Thủy chia sẻ.
ThS Phạm Quang Thắng trong vườn thực nghiệm trồng dưa lưới tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Mong nông nghiệp nước nhà vươn xa
Trong khi đó, ThS Phạm Quang Thắng, Trưởng Phòng Nghiên cứu công nghệ sinh học và thủy sản - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM), lại là nhà khoa học trẻ có đam mê với những nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH), Thắng về công tác tại Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM. Tại đây, với môi trường làm việc đúng chuyên ngành, đồng thời nhận được sự ủng hộ và chia sẻ của lãnh đạo, đồng nghiệp nên Thắng là "cây sáng kiến" của trung tâm.
Vì thế, tuy mới 30 tuổi nhưng Thắng đã sở hữu một bảng thành tích khá dày trong hoạt động nghiên cứu khoa học về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Tất cả những thành tích ấn tượng ấy xuất phát từ sự trăn trở làm sao để nông dân làm chủ quy trình nuôi trồng và gia tăng giá trị nông sản trên chính mảnh đất của mình. Điều đó dễ nhận thấy khi những sáng kiến của ThS Thắng đa phần là các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, thiết thực gia tăng giá trị nông sản.
Có thể kể ra một số nghiên cứu của ThS Thắng như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn trong hồ tròn lót bạt HDPE; quy trình sản xuất bột dưa lưới hòa tan bằng phương pháp sấy thăng hoa; mô hình chế biến một số sản phẩm từ sâm Bố Chính; quy trình xử lý, đóng gói, bảo quản trái dưa lưới sau thu hoạch. Trong đó, công trình nghiên cứu về sâm Bố Chính được ThS Thắng nhắc đến nhiều nhất.
Theo anh, sâm Bố Chính là dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao, giúp tăng cường sức đề kháng cho người dùng. Công trình nghiên cứu của ThS Thắng đã đưa loại dược liệu quý này thành các sản phẩm như sâm khô cắt lát, sâm khô cắt sợi, nước giải khát, trà sâm...được người tiêu dùng đón nhận và phản hồi tốt.
Không dừng lại ở việc nghiên cứu, tìm cách đưa nghiên cứu của mình ra thị trường, đi vào đời sống mới là tham vọng lớn nhất của ThS Thắng. Vì vậy, sau mỗi đề tài được nghiệm thu, Thắng tìm mọi cách để ứng dụng vào sản xuất nhằm cho ra những thành phẩm nông nghiệp chất lượng cao, phục vụ nhu cầu ăn uống sạch của người dân.
Để nhà nông hiểu hơn về nông nghiệp công nghệ cao, ThS Thắng tham gia đứng lớp - truyền giảng những kiến thức về nông nghiệp hiện đại, đưa người dân đến tham quan các thành quả nghiên cứu của mình và của trung tâm để họ "mắt thấy tai nghe". Từ những đóng góp nổi bật ấy, năm 2022, ThS Phạm Quang Thắng được vinh danh "Công dân trẻ tiêu biểu TP HCM" và đoạt Giải thưởng Lương Định Của.
Bình luận (0)