Tại buổi họp báo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tổ chức ngày 2-7, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết dự thảo Bộ Luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi quy định lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu nữ lên 60 và nam lên 62 với 2 phương án. Tuy nhiên những người làm việc ở môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, các công việc đặc thù có thể nghỉ hưu sớm hơn.
Phân biệt tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu
"Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội (QH) khóa XIV, các đại biểu đề xuất tại kỳ họp thứ 8 khi QH thảo luận thông qua BLLĐ sửa đổi phải có danh mục nhóm ngành nghề nghỉ hưu sớm" - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói. Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB-XH đã tham khảo các bộ, ngành về danh mục những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và lấy ý kiến tổ chức đại diện cho người lao động (NLĐ) cùng các tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động. Theo ông Diệp, hiện nay, các doanh nghiệp đã nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động tốt hơn, nhiều công việc nguy hiểm đã được thay bằng máy móc đảm nhiệm. Vì thế danh mục những ngành nghề mà NLĐ được nghỉ hưu sớm hơn sẽ ít dần đi.
Với công nhân làm việc trong nhà máy, không ai muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Trong ảnh: Công nhân Công ty Giày dép Vĩnh Phong, TP HCM trong giờ làm việc Ảnh: KHÁNH AN
"Đến tháng 10-2019, khi QH họp và thảo luận dự thảo BLLĐ sửa đổi, Bộ LĐ-TB-XH sẽ có danh mục các nhóm ngành nghề được nghỉ hưu sớm" - ông Diệp thông tin.
Trước những ý kiến cho rằng giáo viên mầm non, tiểu học, diễn viên xiếc... là lao động đặc thù, rất cần rút ngắn tuổi làm việc, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định không phải chỉ Việt Nam mới có lao động đặc thù mà các nước cũng có. Vì thế, rất cần phân biệt tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu. Luật pháp các nước quy định tuổi nghỉ hưu là mốc tối thiểu để nhận chế độ hưu trí, ví dụ nam 62, nữ 60. NLĐ có thể nghỉ hưu ở bất kỳ tuổi nào, 55, hay 57 nhưng phải đến 60 hoặc 62 mới đủ điều kiện nhận lương hưu.
Không phải đối tượng nào cũng tăng tuổi nghỉ hưu
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, tăng tuổi nghỉ hưu nằm trong tổng thể rất nhiều phương án và giải quyết nhiều luật khác, nhiều chính sách khác và đây là điều chỉnh có lộ trình. Phương án 1 phải đến năm 2028 mới có lao động nam nghỉ hưu ở tuổi 62, đến năm 2035 mới có lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60. Nhưng đây là với những người làm việc trong điều kiện lao động bình thường, sức khỏe bình thường. "Còn với trường hợp suy giảm sức khỏe, lao động trong điều kiện đặc biệt, nặng nhọc, độc hại sẽ có quyền được nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi so với quy định hiện nay, thậm chí có những người được nghỉ hưu ở tuổi 50. Chúng tôi đang thiết kế chính sách là NLĐ được quyền nghỉ hưu sớm, hưởng chính sách theo quy định hiện hành, không cứng nhắc phải đủ tuổi và đủ năm đóng BHXH mới được nghỉ hưu" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhấn mạnh Tổng LĐLĐ Việt Nam đã trực tiếp đi khảo sát tại nhiều địa phương và hầu hết NLĐ không đồng tình với các phương án trong dự thảo luật, nhất là công nhân làm việc trong các nhà máy.
Ông Hiểu cho biết trong quá trình đó, tổ chức Công đoàn cũng thực hiện trách nhiệm, đồng thời tương tác và chia sẻ với yêu cầu chung. Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất trong quá trình xây dựng luật cần phải đặc biệt quan tâm, chú ý tới việc NLĐ là bên thế yếu trong quan hệ lao động. "Chỉ giải quyết được vấn đề này và thấu hiểu vấn đề này thì luật của chúng ta mới khả thi, nhận được sự đồng thuận của NLĐ" - ông Hiểu nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết dự thảo nghị định còn thiết kế một mục dành cho những trường hợp đặc biệt như suy giảm sức khỏe 61% thì sẽ được quyền lựa chọn tuổi hưu, còn những đối tượng bị suy giảm sức khỏe tới 81% thì bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng được nghỉ hưu ngay.
Bình luận (0)