Bộ LĐ-TB-XH cho biết, Nghị định số 119/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ kể từ ngày 1-2-2015. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho người kiếu nại, tố cáo thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo về lao động, dạy nghề, đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đồng thời là căn cứ pháp lý để các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các lĩnh vực nêu trên.
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện, Nghị định số 119/2014/NĐ-CP đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, tại điểm a, Khoản 2 Nghị định số 119/2014/NĐ-CP quy định: "Nghị định này không áp dụng đối với các đối tượng Doanh nghiệp (DN) nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập….", quy định này gây hạn chế quyền khiếu nại, tố cáo của người khiếu nại, tố cáo; mặt khác không có căn cứ pháp lý để cá nhân, tổ chức có thẩm quyền tiến hành giải quyết khiếu nại tố cáo của người lao động trong các tổ chức nêu trên.
Hàn Quốc hiện là một trong những thị trường trọng điểm tiếp nhận lao động Việt Nam
Bên cạnh đó, Luật Việc làm được Quốc hội thông qua ngày 16-11-2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015; tại Khoản 5 Điều 6 về nội dung quản lý nhà nước về việc làm quy định: "Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về việc làm", tuy nhiên, từ khi Luật Việc làm có hiệu lực thi hành cho đến nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực việc làm, vì vậy, trong thực tiễn, khi phát sinh khiếu nại trong lĩnh vực việc làm, các cơ quan chức năng không có căn cứ pháp luật để giải quyết, hoặc vận dụng các quy định của pháp luật về khiếu nại hành chính để giải quyết, tình trạng này không phù hợp với quy định của pháp luật, vì các quy định về khiếu nại hành chính chỉ áp dụng đối với khiếu nại về quyết định hành chính và hành vi hành chính.
Luật An toàn, vệ sinh lao động được Quốc hội thông qua ngày 25-6-2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016; tại Khoản 6, Điều 82 về nội dung quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động quy định: "Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động", tuy nhiên, từ khi An toàn, vệ sinh lao động có hiệu lực thi hành cho đến nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động.
Cũng tương tự như trong lĩnh vực việc làm, khi phát sinh khiếu nại trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động, các cơ quan chức năng không có căn cứ pháp luật để giải quyết hoặc vận dụng các quy định của pháp luật về khiếu nại hành chính để giải quyết.
Từ thực tiễn nêu trên, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động về khiếu nại, tố cáo thay thế Nghị định 119/2014/NĐ-CP là cần thiết, tạo hành lang pháp lý cho người khiếu nại, tố cáo thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, đồng thời là căn cứ pháp lý để các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động.
Bộ đã dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 47 điều. Trong đó nêu rõ quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo về lao động, giáo dục nghề nghiệp, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động trên nguyên tắc kịp thời, khách quan, công khai, dân chủ; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, người bị khiếu nại, người tố cáo, người bị tố cáo và cá nhân, tổ chức liên quan.
Bình luận (0)