“Sau thử việc từ 1 đến 3 tháng, doanh nghiệp (DN) không ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) mặc dù người lao động (NLĐ) vẫn làm việc. Vì thế, mọi quyền lợi của NLĐ như BHXH, BHYT, BHTN... bị tước đoạt”. Đây là một trong rất nhiều phản ánh của NLĐ gửi đến Báo Người Lao Động nhờ can thiệp, bảo vệ quyền lợi. Đa số những phản ánh này thường không để lại tên, địa chỉ người phản ánh; tên, địa chỉ DN bị phản ánh khiến việc xác minh, giải quyết gặp nhiều khó khăn.
Không biết đâu mà lần!
Trong đơn khiếu nại nêu trên, NLĐ chỉ cho biết chung chung là DN này có trụ sở ở quận 10, TP HCM. Những sai phạm của DN là thường buộc NLĐ tăng ca nhưng không trả tiền làm thêm giờ; NLĐ làm việc ngày thứ bảy, chủ nhật - thậm chí là ngày lễ, Tết - vẫn không được tính tiền làm thêm. Cũng do không được ký HĐLĐ và đóng BHXH nên các quyền lợi như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động… không được bảo đảm. Thậm chí, DN còn cho NLĐ nghỉ ngang và không giải quyết các chế độ theo quy định. Cuối đơn, NLĐ còn mong muốn các cơ quan chức năng sớm xử lý DN vi phạm pháp luật lao động, Luật BHXH...
Tương tự, một phản ánh khác của NLĐ đang làm việc tại một DN ở quận 2, TP HCM cho biết NLĐ làm việc từ 1 đến 4 năm vẫn không được ký HĐLĐ, đóng BHXH. DN tuyển dụng NLĐ thông qua một tờ báo có chi nhánh ở quận 8, TP HCM. Khi NLĐ gọi điện, trao đổi thỏa thuận lương, địa điểm làm việc... thì được hướng dẫn đến địa điểm làm việc mà không phải đến trụ sở công ty. Khi quyền lợi bị xâm phạm, NLĐ khiếu nại thì bên này đùn đẩy cho bên kia và cuối cùng không ai giải quyết. NLĐ ở DN này mong muốn các cơ quan chức năng giúp đỡ, bảo vệ.
NLĐ làm việc tại một DN ở quận 1, TP HCM cũng phản ánh chẳng những không được ký HĐLĐ mà còn bị trừ tiền vô tội vạ khi họ vi phạm nội quy. DN còn thu tiền đồng phục không đúng thỏa thuận, buộc phải đóng tiền thế chấp khi vào làm việc, bị buộc tăng ca quá sức...
Tất cả những phản ánh trên đều không để lại danh tính, địa chỉ người khiếu nại vì thế rất khó kiểm chứng thông tin. Biết rằng bức xúc của NLĐ là có thật, cơ quan báo chí đã chuyển đơn đến các cơ quan có liên quan, DN nhưng đều không được giải quyết vì đơn nặc danh. Thậm chí, khi cơ quan báo chí đến làm việc, DN từ chối cung cấp thông tin do phản ánh không cụ thể, không có tên người gửi...
Đơn nặc danh, không xử lý
Một thanh tra viên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM cho biết đối với các đơn thư khiếu nại, tố cáo không có tên, địa chỉ người gửi, theo quy định của Luật Khiếu nại là đơn thư nặc danh sẽ không được xử lý.
Còn theo luật sư Cao Thế Luận, Đoàn Luật sư TP HCM, khi tiếp nhận phản ánh mà không có tên, địa chỉ người gửi sẽ rất khó cho các cơ quan chức năng khi xác minh, điều tra, xử lý; thậm chí muốn liên lạc với người khiếu nại cũng không được. Để có thông tin đầy đủ, người khiếu nại cần cung cấp các thông tin, hồ sơ có liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo để thuận tiện trong việc kiểm tra, đối chiếu thông tin phản ánh. Trường hợp gửi đơn phản ánh mà không để lại tên, tuổi, địa chỉ dễ khiến cơ quan chức năng, người xử lý đơn nghi ngờ có hay không có việc khiếu nại, tố cáo là nhằm mục đích phá hoại DN...
Từng trực tiếp xử lý nhiều vụ khiếu nại, tố cáo về lao động, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ
TP HCM, cho rằng nếu NLĐ không mạnh dạn đấu tranh, không phối hợp với cơ quan chức năng thì việc bảo vệ quyền lợi cho họ không thể đạt hiệu quả như mong muốn. Ông Triều lưu ý: “Quan trọng là cách thức đấu tranh. Nếu thấy quyền lợi bị xâm phạm, NLĐ cần phản ánh đến DN, đến các cơ quan chức năng và cung cấp đầy đủ chứng cứ, hồ sơ có liên quan. Đặc biệt là phải “chính danh” để cơ quan có thẩm quyền thuận tiện trong việc giải quyết. Phía DN cũng cần tiếp thu phản ánh của NLĐ để điều chỉnh cho phù hợp với pháp luật; nên xem phản ánh của NLĐ là kênh thông tin góp phần giúp DN phát triển chứ không phải bêu xấu hay gây bất lợi cho DN mà có hành vi trù dập, gây khó”.
Theo luật sư Cao Thế Luận, trong trường hợp vì lý do gì đó mà NLĐ không dám nêu danh tính khi khiếu nại nhưng nếu xét thấy vụ việc là có thật, cơ quan báo chí có thể kiểm chứng qua LĐLĐ, Phòng LĐ-TB-XH, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP HCM…, nơi DN đặt trụ sở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ.
Bình luận (0)