Phân tích nguyên nhân, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quan hệ lao động khẳng định chính cơ chế đối thoại còn nặng về hình thức khiến đời sống người lao động (NLĐ) ít được người sử dụng lao động (NSDLĐ) quan tâm cải thiện, từ đó khiến họ không có động lực làm việc.
Thực tế, khi các chế định luật pháp buộc các doanh nghiệp (DN) từng bước phải đi vào khuôn khổ thì đối thoại chính là công cụ để NSDLĐ thỏa mãn những đòi hỏi cao hơn luật của NLĐ. Quy định rõ trách nhiệm của DN trong việc tổ chức đối thoại, mục tiêu mà Bộ Luật Lao động hướng đến là xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN. Do vậy, với các DN xem việc tuân thủ luật pháp là điều kiện để bảo đảm các quyền lợi cơ bản nhất của NLĐ thì đối thoại chính là lối ra để giải quyết những đòi hỏi phát sinh từ phía NLĐ. Thực tế ở các DN phát triển ổn định, NLĐ có quyền đòi hỏi được NSDLĐ chăm lo tốt hơn, cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần, để an tâm gắn bó lâu dài.
Theo ông Hà Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), nguyện vọng ấy của NLĐ không có gì là quá đáng và trách nhiệm của DN là tìm mọi cách để thỏa mãn nhu cầu đó của NLĐ. Hiểu rõ được điều này, ngay từ khi hình thành DN chỉ với vài trăm lao động cho đến khi phát triển ổn định với gần chục ngàn lao động, công ty do ông Hưng quản lý luôn xem việc nâng cao phúc lợi cho NLĐ là ưu tiên hàng đầu. Gần chục năm qua, không chỉ bảo đảm quyền lợi cho NLĐ về lương, thưởng, HĐQT và ban giám đốc công ty còn phối hợp với Công đoàn (CĐ) xây dựng và từng bước hoàn thiện chính sách chăm lo, đãi ngộ nguồn nhân lực.
Ngoài việc hưởng chế độ tiền lương hợp lý, mọi lao động đều được tạo cơ hội phấn đấu ngang bằng. Việc đánh giá năng lực và bố trí cán bộ quản lý được thực hiện một cách khách quan, công tâm, kèm chế độ đãi ngộ tương xứng với đóng góp. Cách nghĩ, cách làm ấy của lãnh đạo DN đã giúp không ít công nhân trực tiếp sản xuất có chỗ đứng vững chắc và trở thành trụ cột ở các phòng, ban, phân xưởng sản xuất. “Chính sách chăm lo cho NLĐ tại DN cần được xây dựng và hoàn thiện thông qua đối thoại. Thành tích đóng góp cũng như năng lực của từng lao động sẽ là cơ sở để CĐ cơ sở đề xuất ban giám đốc có chính sách chăm lo, đãi ngộ phù hợp. Được hưởng chính sách chăm lo tốt, chắc chắn không ai bỏ DN mà đi” - ông Hưng bày tỏ.
Chế độ phúc lợi dành cho NLĐ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của DN. Khi chính sách tiền lương giữa các DN không có sự chênh lệch lớn thì chính sách phúc lợi được ví như thỏi nam châm thu hút NLĐ đến với DN. “Xét thấy bản thân xứng đáng được chăm lo nhiều hơn thì NLĐ có thể đề đạt nguyện vọng qua tổ chức CĐ. Thông qua đối thoại, DN và CĐ sẽ tìm được cách giải quyết vấn đề một cách phù hợp, hài hòa lợi ích DN và NLĐ” - ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định.
Bình luận (0)