Gần như đồng loạt, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động ra nước ngoài làm việc tăng cường tuyển dụng điều dưỡng viên, hộ lý để cung cấp cho Nhật Bản, CHLB Đức. Đáng chú ý trong các thông tin tuyển dụng là mức thu nhập cao đi cùng nhiều chế độ đãi ngộ của các quốc gia tiếp nhận điều dưỡng Việt Nam.
Nhu cầu lớn
ThS Lê Đức Thiện, Phó Phòng Đào tạo Viện kinh tế và Công nghệ Đông Á, cho biết nghề điều dưỡng, hộ lý chiếm gần 50% nguồn nhân lực y tế, cung cấp dịch vụ nhiều nhất, thường xuyên nhất và liên tục nhất, là xương sống của ngành y tế, sức khỏe. Đó là lý do các nước phát triển như CHLB Đức với dân số già hóa nhanh luôn thiếu hụt nguồn nhân lực này.
"Theo các số liệu mà tôi có được, mỗi năm CHLB Đức cần khoảng 11.000 điều dưỡng viên làm việc trong các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe và viện dưỡng lão. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành, không còn cách nào khác, CHLB Đức tăng cường tìm lao động ở các quốc gia có cơ cấu dân số trẻ, phù hợp với công việc điều dưỡng mà Việt Nam là điểm đến ưu tiên số 1 của họ. Ngay trong thời điểm nóng nhất của dịch Covid-19, Đức vẫn cấp visa và cho nhập cảnh không cần cách ly đối với các điều dưỡng viên đến từ Việt Nam" - ông Thiện nói.
Với 2 hình thức đưa điều dưỡng Việt sang Đức gồm vừa học vừa làm và sang làm việc, ông Thiện cho rằng con đường sang CHLB Đức chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay bởi ở đây đang làm mọi thứ để thu hút nguồn nhân lực này. CHLB Đức sẵn sàng tạo điều kiện cho các điều dưỡng viên làm việc lâu dài, đồng thời khuyến khích định cư để phát triển sự nghiệp, mở rộng tương lai cho người thân của điều dưỡng viên.
"Mức lương mà điều dưỡng Việt có thể nhận được tại CHLB Đức vào khoảng 70 - 90 triệu đồng/tháng, chưa tính các khoản thu nhập tăng thêm khác. Đây được xem là lực hút mạnh mẽ bên cạnh các chỉ số về an sinh xã hội thuộc hàng cao nhất nhì thế giới khiến các điều dưỡng viên chọn Đức cho hành trang sự nghiệp của mình" - ông Thiện chia sẻ.
Điều dưỡng Việt được nhiều nước săn đón
Ông Trần Văn Khánh, Trưởng Bộ phận Phát triển nguồn nhân lực Công ty TNHH Esuhai (TP HCM), cho rằng nhu cầu tuyển Kaigo (chăm sóc người cao tuổi) của Nhật Bản đang khá lớn. Với mức thu nhập vượt trội hơn những ngành nghề khác, Kaigo đang được các bạn trẻ Việt Nam lựa chọn, đặc biệt là các bạn nữ.
Ông Khánh cho rằng ở Nhật Bản, mỗi công việc, mỗi vị trí đều có giá trị nhất định, đều cần thiết và được xã hội tôn trọng. Dù bạn là một bác sĩ trực tiếp cứu người, một điều dưỡng viên chăm sóc thuốc thang cho bệnh nhân hay một Kaigo-shi hỗ trợ sinh hoạt và chăm sóc cuộc sống thường ngày cho người bệnh đều được tôn trọng như nhau. Kaigo lại là một công việc có ý nghĩa, phù hợp với các bạn trẻ Việt Nam khi muốn ra "biển lớn" cho bước đường sự nghiệp.
"Không chỉ Kaigo, hộ lý và nhiều công việc liên quan đến nghề điều dưỡng khác cũng đang được các đối tác Nhật Bản đặt hàng chúng tôi rất nhiều. Với những ấn tượng do các điều dưỡng viên, Kaigo đã thể hiện được năng lực thực tế tại Nhật, phía Nhật Bản đang sẵn sàng tiếp nhận không giới hạn nhân lực ngành điều dưỡng đến từ Việt Nam. Dù cả hai nước đang chống chọi với dịch Covid-19 nhưng Nhật Bản đã nối lại việc cấp visa cho lao động Việt Nam và đó là tín hiệu vui cho những doanh nghiệp phái cử lao động như chúng tôi" - ông Khánh nói thêm.
Cơ hội trải nghiệm
Ngô Thùy Dương (31 tuổi; ngụ quận 8, TP HCM) đã tốt nghiệp ngành điều dưỡng và đi làm nhiều năm nhưng vừa quyết định đăng ký vào lớp chuyển đổi bằng điều dưỡng để sang Đức làm việc. Theo chia sẻ của Thùy Dương, cơ hội được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp và nhận được mức thu nhập tương xứng đang chờ đợi mình sau khóa học tiếng Đức. "Ban đầu tôi cũng rất đắn đo nhưng để thay đổi môi trường làm việc cũng như mong muốn có cuộc sống tốt hơn, tôi quyết định xin nghỉ việc để tập trung cho việc học tiếng và hoàn thiện hồ sơ sang Đức làm việc" - Thùy Dương nói.
Thùy Dương cũng kể đã đi làm được 8 năm nhưng chưa bao giờ có dư do mức thu nhập thấp, công việc gần như làm thủ công chứ ít được sử dụng máy móc bởi nơi làm việc không trang bị. Công việc áp lực nhưng tính đố kỵ trong môi trường luôn xảy ra nên rất chán nản. Đó cũng là động lực để Thùy Dương thay đổi cuộc đời mình bằng việc hướng ra nước ngoài làm việc.
Khi vừa tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng đa khoa, Nguyễn Đặng Mỹ Hằng (21 tuổi, quê Khánh Hòa) đã nhanh chóng đăng ký tham gia chương trình thực tập sinh Kaigo. Hằng tiết lộ đã tìm hiểu và được biết Nhật Bản đang cần rất nhiều nhân sự làm Kaigo để chăm sóc cho những người cao tuổi, người già yếu, khuyết tật tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe, viện dưỡng lão… Nhận thấy đây chính là cơ hội cho mình bởi từ lâu, Hằng đã muốn sang Nhật làm việc bởi rất yêu thích đất nước mặt trời mọc này.
"Mức lương 30 triệu hay 36 triệu đồng mỗi tháng không phải là vấn đề đầu tiên và quan trọng để chúng em quyết định lựa chọn tham gia đơn tuyển Kaigo. Điều mà chúng em quan tâm và lựa chọn vì đây là một công việc tốt, rất đáng để làm, để trải nghiệm và học hỏi" - Hằng bộc bạch.
Hằng cũng cho biết sau khi hết thời hạn làm việc tại Nhật, trở về quê hương, Hằng mong muốn đem những kiến thức, kỹ năng của mình để phục vụ tốt hơn cho ngành y tế nước nhà. "Biết đâu được, nếu gặp những bạn cùng chí hướng, chúng tôi sẽ làm start-up cũng không chừng" - Hằng cho hay.
Bình luận (0)