Trong đó, phương án gây nhiều ý kiến trái chiều là khống chế giờ làm thêm theo năm, tối đa không quá 600 giờ/năm; bảo đảm tổng giờ làm việc và làm thêm không quá 12 giờ/ngày, không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt.
Đề xuất phương án này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng tăng giờ làm thêm để tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động cũng như xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia lao động và không ít DN, phương án này không khéo sẽ vắt kiệt sức NLĐ.
Ông Hà Duy Hưng, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng (tỉnh Bình Dương), nhìn nhận: “Làm thêm là nhu cầu có thật của NLĐ bởi họ rất muốn cải thiện thu nhập trong điều kiện tiền lương chưa bảo đảm nhu cầu sống. Tuy nhiên, sức vóc cũng như chế độ dinh dưỡng của lao động Việt Nam so với lao động trong khu vực còn kém xa. Do vậy, bàn đến chuyện nâng trần làm thêm cần phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, nếu không muốn để NLĐ gánh chịu những hệ lụy”.
Nhận xét của ông Hưng là có cơ sở bởi thực tế, do thu nhập bấp bênh, không đủ trang trải sinh hoạt nên phần lớn NLĐ buộc phải làm thêm, đồng thời phải đánh đổi nhiều thứ (bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, chưa kể đối diện tương lai không mấy sáng sủa). Vắt kiệt sức bên những cỗ máy khiến thể trạng NLĐ ngày càng suy kiệt, năng suất lao động suy giảm và đối diện nguy cơ bị sa thải. Tại TP HCM cũng như các tỉnh thuộc vùng kinh tế trong điểm phía Nam, nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ tranh chấp lao động là do NLĐ tăng ca quá sức nhưng thu nhập không cải thiện được. Việc cày ải quá sức khiến công nhân (CN) đối diện nhiều rủi ro, nhất là nguy cơ bị tai nạn lao động, từ đó trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đánh đổi sức khỏe, thậm chí tính mạng, chỉ để cải thiện thu nhập chắc chắn không phải là mong muốn của số đông NLĐ.
Ở góc nhìn quản lý, nhiều DN cho rằng mấu chốt để cải thiện thu nhập cho NLĐ là đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại nhằm tăng năng suất lao động. “Máy móc hiện đại sẽ giảm bớt lao động chân tay, chỉ cần CN có kỹ năng nghề, được đào tạo bài bản là có thể tăng năng suất. Cùng với đó, chính sách chăm lo, đãi ngộ nguồn nhân lực tại DN phải được từng bước hoàn thiện để CN an tâm làm việc, cống hiến” - ông Hưng nói.
Từ thực trạng làm thêm của NLĐ, không phải ngẫu nhiên mà Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất xem xét tăng số giờ làm thêm tối đa lên “không quá 300 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 400 giờ”. Cùng với việc tăng giới hạn làm thêm giờ, phải bảo đảm tiền lương của NLĐ được trả lũy tiến. Theo quan điểm của lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, khi đề xuất tăng giờ làm thêm trong năm thì phải xem xét tổng thể nhiều khía cạnh, đặc biệt là sức khỏe của NLĐ.
Bình luận (0)