Nhân đọc chuyện bị sa thải vì mang dép, tôi rất tâm đắc với cách quản lý, điều hành của ông giám đốc người Nhật. Ông nói là làm nhưng không phải áp đặt chủ quan mà có sự chuẩn bị chu đáo mọi thứ. Ban hành quy định là điều kiện cần. Điều kiện đủ là có bước chuẩn bị từ việc tuyên truyền đến cấp phát dép cho công nhân, bố trí tủ để cất tư trang... Cách làm này rất chuyên nghiệp và khoa học.
Điều tâm đắc thứ hai là ông này nói đi đôi với làm chứ không phải “nói cho đã miệng” như lãnh đạo một số đơn vị mà tôi đã từng làm việc. Trước khi “neo thuyền” tại công ty hiện nay, tôi đã làm qua 3 nơi. Trong số đó có một nơi để lại cho tôi ấn tượng rất sâu sắc nhưng tiếc là không phải ấn tượng đẹp. Tôi kể ra đây để chia sẻ kinh nghiệm chứ không nhằm nói xấu nơi mình đã từng làm việc.
Khoảng năm 2006, tôi đầu quân cho một công ty chuyên kinh doanh ngành chế biến thực phẩm khá nổi tiếng. Giám đốc là chồng, phó giám đốc là vợ, một số vị trí chủ chốt là con cháu của gia đình giám đốc. Nhìn vào ai cũng biết đó là công ty gia đình. Đáng nói là những “con ông, cháu bà” này làm việc rất ẹ. Họ ỷ thân, cậy thế nên chây ỳ, lười nhác, làm đâu hư đó.
Giám đốc của tôi rất nóng tính. Mỗi lần có chuyện không vừa ý, ông lại hét toáng lên: “Đuổi hết cho tao”. Thế nhưng sau đó, khi ông đi khỏi thì mọi người khúc khích cười bởi chẳng có ai bị đuổi.
Cho đến một lần, anh trưởng phòng kinh doanh là cháu ruột của “phu nhân giám đốc” móc nối với thủ quỹ và khách hàng, biển thủ một số tiền lớn. Khi phát giác, giám đốc giận run người, ông tát như trời giáng vào mặt trưởng phòng kinh doanh và quát: “Mày cút đi cho tao”. Chưa hả giận, ông qua phòng tài vụ chỉ vào mặt thủ quỹ: “Cả mày nữa, cũng cút đi cho khuất mắt tao”.
Tận mắt chứng kiến cơn giận của giám đốc và đối chiếu với những sai phạm tày đình mà hai nhân vật kia gây ra, mọi người đinh ninh lần này chắc chắn sẽ có người bị đuổi việc. Do chuyện nghiêm trọng như vậy nên chủ tịch Công đoàn và trưởng phòng tổ chức chuẩn bị các bước để tiến hành họp xử lý kỷ luật. Khi báo cáo giám đốc, ông khoát tay: “Cứ làm đi”. Vậy là chứng cứ được thu thập, các cá nhân sai phạm được yêu cầu viết kiểm điểm giải trình, ngày họp được ấn định, thư mời được gởi đi...
Đúng hẹn, trưởng phòng tổ chức và chủ tịch Công đoàn có mặt rất sớm ở phòng họp. Đến 14 giờ vẫn chẳng thấy ai. 14 giờ 30, trưởng phòng tổ chức gọi điện thoại nhưng không ai bắt máy. Chờ đến 15 giờ, hai vị nhìn nhau ngán ngẩm lắc đầu: “Bể show rồi, thôi giải tán”.
Hai người kéo vào phòng giám đốc. Họ gõ cửa nhưng không ai mở cửa. Bên trong có tiếng gây gổ. Giám đốc và phó giám đốc (tức vợ ông) đang cãi nhau kịch liệt. Tôi, tức trưởng phòng tổ chức, nhìn chủ tịch Công đoàn: “Thua rồi, về thôi”.
Đúng như tôi nghĩ. Chẳng có ai bị đuổi cổ như lời giám đốc. Tôi buồn tình xin nghỉ việc. Khoảng 2 năm sau, công ty làm ăn thua lỗ, phải bán lại cho người khác. Ngay lập tức, hội “con ông, cháu bà” cũng được “dọn dẹp”.
Vừa rồi có dịp gặp lại chủ tịch Công đoàn giờ đang làm việc cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài, kể lại chuyện “đuổi cổ hết cho tao”, anh cười ha hả: “Cái công ty bự chần dần vậy mà ổng tưởng như cái nhà của ổng, hỡ cái là đòi đuổi cổ mà có đuổi được ai đâu? Đó là điển hình của cung cách quản lý kiểu “gia đình trị” của nhiều doanh nghiệp Việt Nam mình. Cười thì cười vậy thôi chớ buồn lắm. làm ăn như vậy, biết chừng nào mình mới bằng người ta!”.
Tôi thấy lời anh rất đúng. Tự dưng cũng thấy buồn buồn...
Bình luận (0)