Nhưng sâu xa trong lòng, tôi ngại sẽ bị “đì”. Biết đâu họ mời gọi về nhưng sau đó lại gây khó khăn để “trả thù” việc tôi đã bỏ công ty mà đi.
Dù vậy, chị trưởng phòng nhân sự vẫn để ngỏ khả năng cho tôi quay về: “Giám đốc mới biết rõ anh và rất muốn cộng tác. Anh nên cân nhắc”. Tôi bảo chị cho tôi một tuần để suy nghĩ. Tiếng là giám đốc mới nhưng đối với tôi cũng chẳng lạ bởi ông đã từng làm phó giám đốc khi tôi còn ở công ty. Ngày tôi bất đồng ý kiến với giám đốc và xin nghỉ việc, ông đã nói: “Nếu thấy nơi khác tốt hơn thì cậu cứ đi nhưng tôi thấy tiếc khi công ty mất cậu. Mong rằng nếu có dịp, chúng ta sẽ lại làm việc với nhau”.
Tưởng ông nói cho có, không ngờ ông vẫn nhớ nên khi vừa nhậm chức, ông đã gọi điện báo tin cho tôi. Hôm đó, ông chỉ hỏi thăm sức khỏe, công việc chứ không đề cập gì đến chuyện mời tôi quay lại. Hơn 1 tháng sau thì trưởng phòng nhân sự tìm đến. Chị chuyển lời của giám đốc mong tôi sắp xếp một cuộc hẹn. Tôi nhận lời, một phần vì muốn biết ý tứ của ông ra sao, một phần là do hiện tại công ty nơi tôi đang làm việc gặp khó khăn, cắt giảm nhân sự. Tôi là người mới nên dù có giỏi cách mấy thì họ vẫn không muốn giữ.
Sau cuộc gặp đó, tôi quyết định quay về công ty cũ trong vai trò trợ lý giám đốc. Tôi nhớ mãi nụ cười đôn hậu và cái bắt tay thật chặt, thật ấm của ông cùng một câu ngắn gọn: “Coi như cậu giúp tôi đi”. Vậy là tôi quay về với ông, với công ty.
Mới đó mà 8 năm rồi. Giờ tôi đã là phó giám đốc phụ trách sản xuất của công ty. Tháng trước, ông có quyết định nghỉ hưu. Ông gọi tôi vào phòng căn dặn: “Hãy đối xử với anh em bằng cái tâm của mình, đừng ghét người giỏi, đừng khinh người dở bởi ai cũng có ưu, nhược điểm. Biết phát huy năng lực của mỗi cá nhân mới là người lãnh đạo giỏi”.
Tôi sẽ cố gắng làm như điều ông mong muốn. “Đừng ghét người giỏi, đừng khinh người dở”, điều tưởng chừng bình thường nhưng không phải ai cũng làm được.
Bình luận (0)