Mới đây, hay tin chị L.T.N, công nhân (CN), bị sa thải chỉ vì trót lấy 2 sợi dây cột giày, tập thể lao động tại một công ty sản xuất giày da tại KCN Bình Đường (tỉnh Bình Dương), rất bất ngờ. Không ít CN cảm thấy bất bình và cho rằng công ty đã quá nặng tay với đồng nghiệp. Bản thân chị N. cũng không hiểu chuyện gì xảy ra khi nhận quyết định sa thải từ công ty. "Đôi giày của tôi bị mất dây, thấy công ty có nhiều nên tôi lấy 2 sợi bỏ mang về dùng. Ai ngờ, khi ra cổng thì bị bảo vệ phát hiện và lập biên bản. Hai sợi dây có giá trị rất nhỏ, tôi lấy để dùng chứ không phải mua bán nên khi bị sa thải, tôi thật sự bị sốc" - chị N. nói.
Sốc vì bị mất việc
Tương tự là trường hợp của chị H.N.V, một CN làm việc tại KCN Tân Bình (TP HCM). Phát hiện một số miếng lót đế giày bị lỗi vứt trên sàn xưởng, tưởng công ty bỏ đi nên chị nhặt mang về. Ra đến cổng, chị V. bị bảo vệ phát hiện. Sau đó, chị bị buộc thôi việc do hành vi lấy trộm tài sản công ty. Trong quá trình phụ bếp tại một nhà hàng Hàn Quốc ở quận 1, TP HCM, thấy chai nhựa đựng hóa chất bỏ lâu ngày, anh P.Đ.L lấy bỏ vào túi ni-lông định đem về nhà dùng. Hành vi này của anh L. bị quản lý nhà hàng phát hiện và tịch thu "tang vật". Hôm sau, anh đi làm thì nhận được thông báo tạm ngưng công việc. Hai tuần sau đó, anh bị nhà hàng này sa thải vì hành vi lấy trộm.
Nhiều ngày qua, anh N.V.A, nhân viên một công ty kinh doanh trò chơi điện tử tại quận 11, TP HCM, cũng mất ăn mất ngủ sau khi bị doanh nghiệp (DN) phát hiện hành vi trộm cắp. Trong quá trình làm việc, nhận thấy công ty quản lý lỏng lẻo, anh N.V.A nảy lòng tham và đã lấy một số đồng xu chơi game và giấu dưới gầm máy game. Không ngờ, số đồng xu đó bị nhân viên quét dọn vệ sinh phát hiện. Kiểm tra hệ thống camera, công ty phát hiện anh A. là người lấy cắp. "Tôi đã làm tường trình và năn nỉ công ty bỏ qua vì vi phạm lần đầu. Thế nhưng, công ty không đồng ý, đòi đuổi việc và truy cứu trách nhiệm hình sự" - anh A. lo lắng nói. Trao đổi với chúng tôi về hình thức xử lý kỷ luật người lao động (NLĐ), đại diện người sử dụng lao động (NSDLĐ) khẳng định việc sa thải là đúng luật. "Nội quy công ty quy định tất cả đồ vật trong công ty là tài sản của NSDLĐ. Việc NLĐ tự ý mang bất cứ thứ gì ra khỏi công ty khi chưa được sự đồng ý sẽ bị xem là trộm cắp và dù giá trị món đồ là bao nhiêu cũng sẽ bị sa thải. Do công ty thường xuyên xảy ra mất cắp nên chúng tôi phải xử nghiêm để răn đe" - đại diện công ty sản xuất giày da tại KCN Bình Đường giải thích.
Cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM (bìa trái) tư vấn luật cho người lao động
Dễ rơi vào vòng lao lý
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho biết theo quy định của Bộ Luật Lao động, DN có thể áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với NLĐ có hành vi trộm cắp. Bên cạnh đó, pháp luật cho phép DN được quyền tự quyết định mức giá trị tài sản bị trộm cắp làm cơ sở để tiến hành xử lý kỷ luật sa thải đối với NLĐ. Do đó, dù tài sản NLĐ lấy cắp có giá trị rất nhỏ nhưng một khi DN chứng minh được hành vi trộm cắp của NLĐ và trong nội quy lao động có quy định cụ thể danh mục hành vi vi phạm, mức độ vi phạm tương ứng với các hình thức xử lý kỷ luật lao động; mức độ thiệt hại, trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì việc buộc NLĐ thôi việc là hoàn toàn có cơ sở.
Đây cũng chính là lý do khiến ông K., bảo vệ một khách sạn cao cấp tại quận 1, TP HCM, thua kiện tại các phiên tòa mới đây. Theo trình bày của ông K., thực phẩm tươi sống tại khách sạn chỉ được sử dụng trong ngày, nếu không thì cuối ngày sẽ bị tiêu hủy. Trong một ca trực, thấy một ít cá hồi bị đổ bỏ, ông lấy bỏ vào bịch định đem về chia cho sinh viên ở trọ gần nhà. Hành động này của ông K. diễn ra công khai trước mặt trưởng ca an ninh và một số nhân viên vệ sinh nhưng không ai có ý kiến gì. Thế nhưng sau đó, ông bị quản lý khách sạn lập biên bản bắt quả tang trộm cắp tài sản và bị sa thải. Cho rằng việc làm của mình không phải là hành vi trộm cắp, ông K. đã kiện khách sạn ra tòa, yêu cầu hủy bỏ quyết định sa thải. Tuy nhiên, ở cả 2 phiên sơ thẩm và phúc thẩm, yêu cầu của ông L. bị hội đồng xét xử bác bỏ bởi tòa cho rằng khách sạn thực hiện đúng nội quy lao động.
Người lao động phải nắm luật
Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng ngoài việc bị sa thải theo quy định của Bộ Luật Lao động, NLĐ có hành vi trộm cắp còn có khả năng bị xử lý theo quy định của Bộ Luật Hình sự. Tùy theo mức độ, tính chất vi phạm và giá trị thiệt hại, người vi phạm có thể bị phạt tù tối đa lên đến 20 năm. "Với hành vi trộm cắp tài sản của người khác trị giá chỉ từ 2 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng có tình tiết tăng nặng (đã bị xử phạt mà còn vi phạm; tái phạm sau khi bị kết án và chưa được xóa án tích...) thì NLĐ đã có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Do vậy, NLĐ cần nắm vững quy định và tuân thủ đúng pháp luật để tránh chuốc phải hậu quả đáng tiếc" - ông Phúc nhấn mạnh.
Bình luận (0)