Nguyễn Hoàng Hải (quận Gò Vấp, TP HCM) hỏi: "Do nhu cầu sản xuất, công ty của tôi sẽ điều chuyển công nhân (CN) làm việc ở các bộ phận khác nhau. Nếu được chuyển làm ở vị trí công việc có trong danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì CN sẽ được hưởng thêm 5% trợ cấp. Ngược lại, nếu được chuyển về bộ phận với điều kiện làm việc bình thường, thì không được hưởng phần trợ cấp này. Xin hỏi, việc điều chuyển CN qua công việc mới không thuộc danh mục công việc nặng nhọc, độc hại dẫn đến không chi trả trợ cấp nặng nhọc, độc hại này thì có được xem là vi phạm hay không?".
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời: Theo quy định tại khoản 1 và khoản 3, điều 31 của Bộ Luật Lao động năm 2012 thì khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động (NLĐ) làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của NLĐ.
NLĐ làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Bình luận (0)