Mới đây, dù khẳng định anh Trần Minh Thành, trưởng bộ phận kỹ thuật, vi phạm nội quy lao động nhưng giám đốc Công ty V.L (quận 1, TP HCM) vẫn buộc phải thu hồi quyết định kỷ luật vì không chứng minh được lỗi của người lao động và xử lý kỷ luật sai quy trình.
Chỉ vì cả nể
Theo trình bày của anh Thành, ngày 23-12-2015, khi đang làm việc thì trưởng phòng nhân sự thông báo do anh vi phạm nội quy lao động nên công ty sẽ tiến hành kỷ luật. Khi anh Thành thắc mắc về lỗi vi phạm thì được phòng nhân sự trưng ra “biên bản sự việc” liệt kê từ ngày 3-6-2015 đến 12-12-2015, anh đã ra khỏi công ty để làm việc riêng mà không xin phép giám đốc, cũng không xuất trình giấy ra vào cổng cho bảo vệ. Tổng cộng, anh Thành vi phạm 36 lần với thời gian 1.035 phút. Ngoài ra, từ tháng 9 đến 11-2015, anh Thành còn đi trễ 5 lần (mỗi lần 30 phút).
Sau đó, dù không đưa ra được các biên bản xử lý vi phạm và bằng chứng chứng minh những lần vi phạm theo yêu cầu của anh Thành, cũng chưa tổ chức cuộc họp để xử lý kỷ luật theo quy định nhưng giám đốc đã ra quyết định kỷ luật anh với hình thức khiển trách. Không đồng ý, anh Thành gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng.
Trao đổi với chúng tôi, ông N.Q.H, giám đốc công ty, cho biết theo quy định của công ty, tất cả cán bộ, nhân viên muốn rời khỏi công ty trong giờ làm việc đều phải được sự đồng ý của giám đốc, đồng thời phải xuất trình giấy ra vào cổng và ký vào sổ trực của bảo vệ. Thế nhưng, do anh Thành là quản lý nên dù nhiều lần phát hiện lỗi vi phạm, công ty cũng “du di” bỏ qua mà không lập biên bản; còn bộ phận bảo vệ cũng vì cả nể nên không yêu cầu anh Thành ký sổ ra vào cổng. “Qua sự việc này, công ty rút ra được bài học trong cách quản lý, đó là đã đặt ra quy định thì không chỉ nhân viên mà bản thân tôi cũng phải tuân thủ nghiêm, như thế mới có thể xử lý kỷ luật khi người lao động phạm lỗi” - ông H. nhìn nhận.
Đặt ra quy định rồi... quên!
Đặt ra nhiều quy định để cả người lao động và chủ doanh nghiệp cùng thực hiện với mục đích giữ nghiêm trật tự, kỷ luật nhưng đôi khi chính người ban hành lại lơ là, không tuân thủ để rồi gây ra những tranh chấp, bất ổn không đáng có. Tại Công ty X.D (quận Bình Thạnh, TP HCM), do tổng giám đốc là người nước ngoài, không rành pháp luật Việt Nam nên ngay từ khi nắm quyền điều hành, ông K.M.S, tổng giám đốc, đã quy định mọi hoạt động liên quan đến công tác nhân sự phải trình qua giám đốc nhân sự - pháp chế trước khi chuyển đến tay ông. Thế nhưng mới đây, ông S. lại ký quyết định kỷ luật khiển trách và điều chuyển công tác anh N.V.M, trưởng phòng sản xuất, sang làm nhân viên vệ sinh mà không thông qua giám đốc nhân sự - pháp chế.
Hậu quả là ông S. không chỉ buộc thu hồi quyết định kỷ luật, trả lại vị trí làm việc cũ mà còn phải công khai xin lỗi anh M. trước toàn thể nhân viên. Anh M. cho biết đầu tháng 11-2015, không hiểu vì lý do gì anh liên tục bị giám đốc nhà máy yêu cầu viết đơn xin nghỉ việc song anh không đồng ý. Dù vậy, vị giám đốc này vẫn thông báo trên hệ thống email nội bộ rằng cuối tháng 12-2015, anh M. sẽ không còn làm việc nữa. Sau đó, lấy cớ nhà máy liên tục sản xuất ra hàng lỗi trong nhiều tháng (dù tỉ lệ lỗi vẫn nằm trong phạm vi cho phép), giám đốc nhà máy đã đề xuất xử lý kỷ luật và chuyển M. sang làm công việc khác.
Ông Nguyễn Văn Dương, giám đốc nhân sự - pháp chế công ty, kể sau khi nhận được khiếu nại của anh M., ông mới được giao tìm hiểu sự việc và phát hiện ngoài việc họp xử lý kỷ luật không đủ thành phần (thiếu đại diện Công đoàn); lý do kỷ luật, điều chuyển không được quy định trong nội quy lao động. Đáng nói, đằng sau sự việc là sự đấu đá nội bộ, do cách làm việc của anh M. không hợp “rơ” với giám đốc nhà máy nên bị kiếm cớ “đuổi đi”. “Đến nay, tổng giám đốc mới vỡ lẽ nên trong cuộc họp gần đây đã nhắc đi, nhắc lại với chúng tôi là làm gì cũng phải tuân thủ đúng quy trình đã định” - ông Dương nói.
Bình luận (0)