Sáng 25-2, cùng với ban chấp hành Công đoàn (CĐ) cơ sở, gần 40 tổ trưởng và quản lý sản xuất tại Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM) đã chính thức "xông đất" doanh nghiệp (DN). Gọi là "xông đất" nhưng thực ra họ đến công ty để kiểm tra lần cuối các công đoạn chuẩn bị (nguyên liệu, điện, nước, an toàn lao động) để anh em công nhân (CN) có thể bắt tay vào làm các đơn hàng sau Tết.
Không lo thiếu việc
Tiếp xúc chúng tôi, bà Phan Thị Minh Thu, Phó Giám đốc kiêm Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong, bày tỏ: "Công ty sẽ chính thức hoạt động trở lại vào sáng 26-2 và chúng tôi chắc chắn rằng toàn bộ 380 CN sẽ có mặt đầy đủ. Việc được bố trí nghỉ Tết dài ngày cùng với chế độ lương, thưởng khá khiến anh em CN rất phấn khởi và có một cái Tết thật ấm cúng bên gia đình".
Chính sách chăm lo của doanh nghiệp giúp công nhân Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong an tâm gắn bó lâu dài Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Để người lao động (NLĐ) an tâm làm việc đến ngày cuối cùng, ngay từ đầu năm, ban giám đốc đã chủ động đàm phán và ký kết được nhiều đơn hàng với giá gia công hấp dẫn, bảo đảm việc làm ổn định đến giữa năm. Cùng với ban chấp hành CĐ, công ty đã điều chỉnh lương tối thiểu và sớm công bố mức thưởng để tạo tâm lý phấn khởi cho NLĐ. Bình quân mỗi CN được điều chỉnh tăng 400.000 đồng, riêng mức thưởng Tết bình quân 4,5 triệu đồng/người. Nhờ chỉn chu trong việc điều tiết đơn hàng nên công ty có thể bố trí cho CN nghỉ Tết dài ngày (tổng cộng 16 ngày). "Năm nay mức thưởng Tết khá, lại được nghỉ dài ngày nên tụi tôi gặp nhiều thuận lợi hơn trong việc sắm sửa, sắp xếp lịch đi thăm bà con, bạn bè. Tết này là cái Tết vui nhất, ấm cúng nhất của anh em CN" - chị Nguyễn Thị Kim Tuyến bộc bạch.
Tại Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam (100% vốn nước ngoài; huyện Củ Chi, TP HCM), đến ngày 24-2, hơn 90% CN (2.600 lao động) cũng đã trở lại làm việc. Mỗi CN đến làm việc đúng hẹn được ban giám đốc lì xì lấy hên 50.000 đồng/người. Anh Đặng Văn Đương, một CN làm việc lâu năm, cho biết những thông tin vui về tình hình đơn hàng trước Tết khiến ai cũng hết sức vui mừng. "Lương, thưởng Tết năm nay khá. Do vậy, điều mong mỏi duy nhất của anh em CN là có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định suốt cả năm 2018" - anh Đương nói.
Theo ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam, sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, ưu tiên hàng đầu của BCH CĐ là hỗ trợ DN ổn định sản xuất, từ đó bảo đảm việc làm, thu nhập cho NLĐ. Bên cạnh đó, CĐ cơ sở cố gắng duy trì đối thoại định kỳ và tổ chức hội nghị NLĐ nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro trong quan hệ lao động.
Đầu tư, chăm sóc nguồn nhân lực
Theo khảo sát sơ bộ của các CĐ cấp trên cơ sở tại TP HCM, đến nay, hơn 80% CN tại các DN đã trở lại làm việc. Tại các DN có chính sách chăm lo lương, thưởng tốt, tỉ lệ NLĐ trở lại làm việc đạt hơn 80%. Điều này cho thấy chính sách đãi ngộ của DN đóng vai trò quyết định trong việc ổn định nguồn lao động sau Tết.
Theo ông Lê Hòa Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Hòa Bình (quận 11, TP HCM), khi tha hương kiếm sống, mong muốn lớn nhất của lao động ngoại tỉnh là có được việc làm, thu nhập ổn định. Do vậy, DN phải có trách nhiệm bảo đảm việc làm, từng bước cải thiện thu nhập, phúc lợi cho NLĐ. Giải quyết tốt 2 vấn đề này, chắc chắn DN sẽ không bị rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết. Từ suy nghĩ ấy, gần 10 năm đi vào hoạt động, ưu tiên hàng đầu của HĐQT và Ban Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Hòa Bình là bảo đảm NLĐ có việc làm thường xuyên, cải thiện từng bước thu nhập, phúc lợi.
Chị Lê Nguyễn Anh Thư, một nhân viên gắn bó lâu năm tại công ty, bày tỏ: "Được thông tin đầy đủ về tình hình sản xuất - kinh doanh, nhất là chính sách tiền lương, đãi ngộ, đã giúp NLĐ có cái nhìn đầy đủ về hiện trạng DN, từ đó tận lực hỗ trợ trong trường hợp DN gặp khó khăn. Đổi lại, DN phải tri ân xứng đáng đóng góp của NLĐ, có như vậy sự gắn kết giữa hai bên mới bền vững". Tại Công ty CP Thực phẩm Hòa Bình, ngoài mức lương cơ bản 4,5 triệu đồng/tháng, NLĐ còn được hỗ trợ chi phí xăng xe, nhà trọ, chưa kể chi phí học tập nâng cao trình độ.
Theo ông Hà Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng (tỉnh Bình Dương), cái gốc của vấn đề chính là chính sách chăm lo của DN. Nếu được DN chăm sóc thực tâm, chắc chắn NLĐ sẽ luôn tận lực cống hiến và đây chính là nền tảng để DN ổn định lâu dài.
"Từ chủ trương ấy của ban giám đốc, trong nhiều năm qua, gần 10.000 lao động tại công ty luôn được bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định. Họ còn có cơ hội thăng tiến nếu khẳng định được năng lực bản thân với việc sử dụng, đề bạt nhân sự mềm dẻo của ban giám đốc. Từ chị lao công đến các trưởng - phó phòng, ai cũng có cơ hội phấn đấu như nhau và chúng tôi kiên trì thực hiện chính sách này. Phải làm sao để DN phải thực sự là nơi NLĐ cảm thấy được đối xử công bằng, từ đó họ sẽ cống hiến hết sức mình" - ông Hưng nhìn nhận.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Chăm lo phải là chính sách cốt lõi
Hoạt động cùng một ngành nghề như nhau thì chính sách tiền lương, đãi ngộ căn cơ sẽ giúp DN tạo lợi thế cạnh tranh nhất định. Nếu DN thường xuyên ổn định việc làm, thu nhập và tìm cách nâng cao phúc lợi cho NLĐ thì họ sẽ cảm thấy an tâm hơn đối với nơi mình đang gắn bó. Đây là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập sâu rộng mà DN thực hiện nếu muốn phát triển bền vững và ổn định quan hệ lao động một cách bài bản.
Bình luận (0)