Ngược lại, một số ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ vấn đề này để phù hợp với điều kiện làm việc, sức khỏe và thời giờ làm việc của người lao động (NLĐ) Việt Nam.
Giảm giờ làm và cải thiện thu nhập là mong muốn của người lao động Ảnh: AN CHI
Theo tôi, trong xu thế hội nhập sâu rộng của đất nước, khi đề xuất nới rộng khung giờ làm thêm, ban soạn thảo Bộ Luật Lao động cần phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ. Thực tế, nhu cầu làm thêm giờ của NLĐ là có thật, song bản chất là do thu nhập chưa bảo đảm trang trải cuộc sống. Về phía NSDLĐ, do nhu cầu sản xuất, kinh doanh ở từng thời điểm, việc huy động NLĐ làm thêm giờ sẽ giúp bảo đảm tiến độ giao hàng. Bộ Luật Lao động hiện hành quy định nguyên tắc thỏa thuận khi làm thêm giờ, song tình trạng vi phạm về thời giờ làm thêm khá phổ biến, rất khó kiểm tra, giám sát. Do yếu thế nên NLĐ buộc phải chấp nhận làm thêm giờ bởi nếu phản ứng lại thì họ rất dễ mất việc làm. Công nghệ hiện nay đã phát triển vượt bậc, trình độ quản trị của doanh nghiệp, đặc biệt là tay nghề của NLĐ cũng đã được nâng lên, do vậy, việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược với xu hướng tiến bộ. Doanh nghiệp muốn tăng đơn hàng, doanh thu nhưng không muốn tăng chi phí đầu tư cho việc mở rộng sản xuất, thuê NLĐ cũng không ổn.
Từ thực tế này, cần phải lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, đặc biệt là NLĐ; đồng thời đánh giá những tác động của đề xuất này. Cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ thêm và việc quy định thời gian làm thêm giờ phải theo hướng bảo đảm chặt chẽ, giới hạn trong một số trường hợp đối với một số ngành. Nói như ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, vì lương quá thấp không đủ sống nên buộc lòng NLĐ phải chấp nhận làm thêm giờ. NLĐ nào cũng mong muốn có thời gian nghỉ ngơi, có thời gian học tập, có thời gian dành cho gia đình, có thời gian vui chơi giải trí..., không lý do gì mà lần sửa luật này lại thụt lùi so với hiện tại.
Bình luận (0)