Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, số giờ công nhân (CN) tăng ca luôn vượt mức quy định. Theo kết quả nghiên cứu về lao động mới đây cho thấy số người tăng ca đúng luật chỉ chiếm 29%, số người tăng ca từ 31 đến 100 giờ/tháng chiếm 58% và trên 100 giờ chiếm 13%. Như vậy, số giờ tăng ca của CN trong thời gian 2-3 tháng đã vượt tổng số giờ tăng ca cả năm theo quy định.
Qua thăm dò ý kiến của CN cho thấy không ai muốn tăng ca. Tuy nhiên, lương CN hiện nay chưa đủ sống mà việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng của Chính phủ hằng năm với số tiền 200.000-300.000 đồng/tháng thì không đủ bù trượt giá. Trong khi đó, NLĐ phải đối diện với áp lực cuộc sống rất lớn, có nhiều khoản phải chi tiêu như: tiền thuê nhà, chi phí điện, nước, ăn uống, học phí cho con… Để giảm bớt áp lực tài chính, rất nhiều CN phải tìm việc làm thêm sau giờ làm như: chạy Grab, bán hàng online, bán hàng rong… Nhưng tính toán lại, CN thấy rằng làm thêm bên ngoài không có lợi bằng tăng ca. Bởi khi tăng ca, họ giảm được chi phí cho một bữa ăn, không tăng ca về nhà trọ cũng không làm gì mà còn tốn thêm tiền điện, nước. Vì vậy, số CN có nhu cầu tăng ca để tăng thu nhập là không nhỏ.
Công nhân một doanh nghiệp trong KCN Tân Tạo ngừng việc tập thể vì bị ép tăng ca quá nhiều Ảnh: MAI CHI
Ở khía cạnh doanh nghiệp (DN), trong bối cảnh cạnh tranh nguồn lao động ngày càng gắt gao thì việc tận dụng nguồn lao động hiện có là giải pháp tối ưu. Như vậy, làm thêm giờ là nhu cầu cả NLĐ, DN và hai bên đều có lợi. Nên thiết nghĩ khi lương tối thiểu vùng chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ thì có thể xem xét nâng số giờ làm thêm theo đề xuất tại dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Song, phải bảo đảm được quyền tự quyết của NLĐ, phải khống chế số giờ tăng ca tối đa hằng năm để bảo vệ sức khỏe của họ, đồng thời cách tính tiền lương tăng ca phải tương xứng với thời gian và sức khỏe mà NLĐ đã bỏ ra.
Bình luận (0)