Phải được sự đồng ý của NLĐ; bảo đảm số giờ làm thêm của NLĐ không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày; bảo đảm tổng số giờ làm thêm của NLĐ không quá 200 giờ/năm; trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm không quá 400 giờ/năm.
Theo tôi, quy định như vậy là không ổn vì nếu chỉ hạn chế giờ làm thêm tối đa 400 giờ/năm mà không quy định hạn chế giờ làm thêm tối đa/tuần, giờ làm thêm tối đa/tháng thì NSDLĐ có thể yêu cầu NLĐ làm thêm giờ đến 24 giờ/tuần, 100 giờ/tháng. Việc nới rộng khung giờ làm thêm kiểu này chỉ có lợi cho NSDLĐ ở các cơ sở sản xuất mang tính thời vụ, không tạo điều kiện cho NLĐ có thời gian chăm lo gia đình, con cái và không phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế trong thập kỷ tới. Bộ Luật Lao động hiện hành quy định giới hạn giờ làm thêm tối đa 30 giờ/tháng, tối đa 300 giờ/năm. Quy định này phải sửa đổi để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp (DN) và NLĐ. Tuy nhiên, đó không phải là yêu cầu của tất cả DN và NLĐ Việt Nam. Chúng ta cần nhìn nhận là hầu hết những NLĐ đang làm việc cho các DN sử dụng nhiều lao động (dệt may, da giày, chế biến hải sản... ) có nhu cầu được tăng giờ làm thêm để cải thiện thu nhập. Rõ ràng, nếu tiền lương đủ sống thì không ai muốn làm thêm giờ dẫn đến kiệt quệ sức khỏe, không có thời gian chăm lo gia đình hoặc học tập nâng cao trình độ. Tuy nhiên, ước muốn của những NLĐ này là được tăng thêm thu nhập hằng tháng ổn định và cả năm ổn định; chứ không phải tập trung toàn lực để làm thêm giờ trong 3 - 4 tháng; để rồi những tháng khác trong năm có thu nhập không đủ sống vì không thể làm thêm giờ quá giới hạn của luật lao động.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị luật quy định giờ làm thêm tối đa 12 giờ/tuần. Không quy định giờ làm thêm tối đa/tháng, giờ làm thêm tối đa/năm. Như vậy, NLĐ vẫn có thể làm thêm đến mức 48 giờ/tháng, 576 giờ/năm để có thêm thu nhập bảo đảm cuộc sống mà không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và cuộc sống gia đình. Mặt khác, quy định này cũng có thể đáp ứng yêu cầu của các DN. Tùy theo tình hình thực tế đời sống của NLĐ ở các DN khác nhau, tổ chức Công đoàn cơ sở có thể thương lượng với NSDLĐ để giới hạn giờ làm thêm tối đa/tháng hoặc tối đa/năm.
Bình luận (0)