"Tôi ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với vị trí công việc là kế toán tổng hợp. Tuy nhiên, khi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ thai sản, công ty chuyển tôi sang làm công việc văn phòng. Tôi không đồng ý thì công ty không bố trí công việc và để tôi "ngồi chơi xơi nước" hơn 1 tháng qua. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài chắc tôi phải nghỉ việc". Đây là phản ánh của chị Lê Thanh Thủy, nhân viên kế toán Công ty TNHH V.Q (tỉnh Bình Dương), gửi đến Báo Người Lao Động mới đây.
Tùy tiện
Chị Thủy cho hay chị đã ký HĐLĐ với công ty từ tháng 10-2016. Đầu tháng 4-2020, chị nghỉ sinh con hưởng chế độ thai sản. Trong thời gian nghỉ sinh, công ty thiếu người làm báo cáo tài chính nên yêu cầu chị đi làm trước thời hạn. Tuy nhiên, do sức khỏe chưa hồi phục và con không có người chăm sóc nên chị từ chối. Ngay khi Thủy trở lại làm việc, công ty lấy lý do vị trí công việc cũ đã có người thay nên ra quyết định điều chuyển chị sang bộ phận hành chính - nhân sự làm công việc văn phòng. Không thấy ghi thời gian điều chuyển trong quyết định, chị Thủy thắc mắc nhưng không được trả lời thỏa đáng. Điều đáng nói hơn là ở bộ phận mới, chị Thủy không được bố trí làm bất cứ công việc gì.
Tương tự là trường hợp chị Phạm Thị Kiều, nhân viên văn thư một một công ty ở quận 5, TP HCM. Kiều cho biết chị vào làm việc tại công ty từ năm 2015 và đã ký HĐLĐ không xác định thời hạn. Xuất phát từ nội dung một lá thư nặc danh tố chị có hành vi gây rối tại UBND phường, ngày 13-3-2020, công ty tổ chức họp xử lý kỷ luật. Dù không chứng minh được lỗi nhưng công ty vẫn cho rằng Kiều vi phạm nội quy lao động (có thái độ phát ngôn không đúng mực, xúc phạm nhân phẩm của người khác) nên ra quyết định kỷ luật khiển trách. Đến ngày 20-3, công ty ra tiếp quyết định "Điều động công tác", chuyển Kiều sang làm việc ở đội xe máy mà không thỏa thuận và thông báo trước. Lý do điều chuyển là Kiều có đủ năng lực đảm đương công việc mới. Bức xúc, chị Kiều khởi kiện ra tòa. Tại phiên xử mới đây, tòa nhận định việc công ty xử lý lỷ luật lao động mà chưa chứng minh được lỗi của người lao động (NLĐ) là trái quy định. Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 điều 31 Bộ Luật Lao động (BLLĐ) năm 2012, khi tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ, người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải báo cho NLĐ biết trước ít nhất 3 ngày làm việc và thông báo rõ thời hạn làm tạm thời. Thế nhưng, khi điều động chị Kiều làm công việc khác, công ty không thông báo trước, lý do điều chuyển cũng không thuộc phạm vi pháp luật quy định. Do đó, tòa đã tuyên hủy cả quyết định kỷ luật và quyết định điều chuyển đối với chị Kiều.
Công nhân đến Báo Người Lao Động nhờ can thiệp bảo vệ quyền lợi
Chèn ép người lao động
Theo các chuyên gia lao động, quy định về "Chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ" nhằm tạo thuận lợi cho NSDLĐ xử lý đối với các biến cố xảy ra trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quyền chuyển NLĐ sang làm công việc khác thường xuyên bị lợi dụng để NSDLĐ chèn ép NLĐ, nhất là khi có phát sinh mâu thuẫn trong quan hệ lao động.
Vụ tranh chấp giữa anh Trần Văn Mỹ và Công ty TNHH T.A (quận Thủ Đức, TP HCM) là một ví dụ. Anh Mỹ là quản lý cấp trung ở phòng kế hoạch và mua hàng phụ kiện từ năm 2014 và đã ký HĐLĐ không xác định thời hạn. Trong suốt quá trình làm việc, anh luôn hoàn thành tốt công việc được giao và chưa từng bị kỷ luật. Ngày 8-9-2020, anh được trưởng phòng giao thêm công việc mới là nhập liệu phần mềm. Do công việc không được phân công trong bảng mô tả công việc, cũng không được thỏa thuận trước nên anh Mỹ không đồng ý và gửi email khiếu nại đến ban giám đốc. Thế nhưng, thay vì được giải tỏa gút mắc, công ty lại buộc anh tạm ngưng công việc, đồng thời tịch thu máy tính, điện thoại. Chưa dừng lại đó, công ty giao cho anh Mỹ một bảng mô tả công việc mới và buộc anh phải nhận việc. Do Mỹ không đồng ý và tiếp tục khiếu nại nên công ty đã chuyển anh đến ngồi ở khu vực kho, sau đó là ở phòng bảo vệ nhưng không trả lương.
Tương tự là trường hợp ông Huỳnh Văn Dũng, công nhân (CN) của một công ty may ở quận 12, TP HCM. Ông Dũng cho biết do ảnh hưởng dịch Covid-19, công ty cho CN nghỉ việc, không trả lương nhưng không có thỏa thuận trước đó. Sau khi có ý kiến yêu cầu công ty phải thực hiện đúng quy trình tạm hoãn HĐLĐ với NLĐ, ngày 5-6-2020, ông Dũng bị điều chuyển sang làm việc tại tổ cây xanh. "Do quyết định điều chuyển công việc không phù hợp quy định pháp luật nên tôi vẫn ở lại xưởng may và từ chối nhận việc mới. Tuy nhiên, sau đó tôi bị bảo vệ công ty cấm cửa vào xưởng" - ông Dũng cho biết. Đầu tháng 7-2020, lấy lý do ông Dũng tự ý bỏ việc không có lý do chính đáng quá 5 ngày trong 1 tháng, công ty đã ra quyết định sa thải. "Rõ ràng "chiêu" điều chuyển công việc là cách công ty đẩy tôi ra đường" - ông Dũng bức xúc.
Hạn chế tình trạng lách luật
Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết so với BLLĐ năm 2012, quy định về chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ trong BLLĐ năm 2019 có thêm nhiều điểm mới và được quy định chi tiết và cụ thể hơn. Chẳng hạn, NSDLĐ phải quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất - kinh doanh mà NSDLĐ được tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ; khi muốn chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm thì phải được NLĐ đồng ý bằng văn bản; NLĐ không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với HĐLĐ quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm mà phải ngừng việc thì NSDLĐ phải trả lương ngừng việc theo quy định tại điều 99 của bộ luật này... "Tôi tin với sự sửa đổi này, tinh thần của BLLĐ sẽ dần trở về đúng bản chất, hạn chế tình trạng lách luật, bảo vệ tốt hơn quyền lợi NLĐ" - ông Phúc nói.
Bình luận (0)