Người bị sếp trút giận là Phong, phó phòng kế hoạch. Hôm nay, anh nghỉ phép nhưng có việc gấp nên giám đốc gọi điện. Phong không nghe máy nên giám đốc nhắn tin. Cũng không thấy trả lời. Cuối cùng, ông gửi mail và chờ đợi.
Tôi biết tính Phong. Anh không phải người vô trách nhiệm. Sự cố hôm nay hẳn phải có lý do. Nghĩ vậy nên sau cuộc họp, tôi gọi ngay cho Phong. Anh nghe máy liền: "Chuyện đó giải quyết xong chưa chị? Tôi biết không có tôi thì cũng có người khác làm mà". Tôi thuật lại nội dung cuộc họp cho Phong nghe và hỏi tại sao giám đốc gọi mà anh không nghe máy, nhắn tin không trả lời, gửi mail không thấy hồi âm?
Câu trả lời của Phong là có thấy cuộc gọi nhỡ của sếp nhưng lúc đó đang bận; có thấy tin nhắn và mail nhưng không trả lời là bởi biết đó là chuyện của bộ phận khác. "Nhưng anh cũng phải trả lời cho sếp chứ sao lại làm thinh như vậy?" - tôi tỏ vẻ không hài lòng.
Phong thừa nhận thái độ của mình như vậy là không đúng nhưng anh giải thích: "Tôi muốn sếp biết cảm giác khi bị người khác phớt lờ thôi. Chị biết không, tôi làm việc ở công ty 12 năm, giám đốc và phó giám đốc cũng làm ở đấy từng ấy năm nhưng 2 vị đó chưa bao giờ trả lời một tin nhắn, một email nào của tôi... Ở trong công ty mà lỡ đụng mặt nhau, các vị ấy cũng chưa bao giờ chào hỏi tôi. Cách tôi xử sự hôm nay chính là noi gương họ đấy".
Ừ nhỉ, tôi cũng thấy như vậy. Tôi chỉ mới đầu quân về công ty 3 năm ở cương vị trưởng phòng nhân sự. Do yêu cầu công việc nên tôi hay tiếp xúc trực tiếp; còn nếu có nhắn tin, gửi mail thì thường là báo cáo nên sếp nhận được thì im lặng xem như "đã biết". Có vài lần tôi nhắn tin xin phép vắng họp để đưa con đi khám bệnh hoặc họp phụ huynh cho con, nhắn tin xong thì tôi cứ nghỉ và chưa bao giờ sếp phàn nàn hay thắc mắc gì. Riết rồi tôi cũng quen, mặc định là mình có quyền nhắn tin và sếp có quyền không trả lời. Còn chuyện chào hỏi thì… tại tính sếp như vậy, ra vô cứ cắm cúi đi, chẳng nhìn mặt ai thì làm sao biết ai mà chào hỏi?
Tuy nhiên, bây giờ nghe Phong nói vậy, tôi mới giật mình và thấy đúng là cách cư xử của giám đốc và phó giám đốc có hơi… kỳ kỳ. Trong nội quy lao động của công ty có hẳn một chương quy định về "văn hóa công ty", trong đó có quy định về giao tiếp, nói năng trong nội bộ và với khách hàng. Lịch sự, lễ phép, thân thiện là những từ được lặp lại nhiều lần.
Hay là sếp nghĩ những quy định này chỉ dành cho nhân viên, còn mình là sếp nên đứng ở bên trên, không cần phải tuân thủ?
Bình luận (0)