Ký hợp đồng đào tạo (HĐĐT) với doanh nghiệp (DN) nhưng không tuân thủ những nội dung thỏa thuận, mới đây, ngoài việc phải bồi hoàn chi phí đào tạo (hơn 165 triệu đồng), anh H.V.K và người thân còn bị tòa tuyên buộc phải bồi thường gần 200 triệu đồng cho Công ty TNHH L.D (tỉnh Bình Dương).
Thua kiện vì lật kèo
Theo đơn khởi kiện của Công ty TNHH L.D, ngày 6-2-2018, giữa công ty và anh K. đã ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) xác định thời hạn 1 năm ở vị trí nhân viên kỹ thuật. Để đáp ứng yêu cầu vị trí làm việc, công ty đã cử anh K. sang Hàn Quốc tham gia khóa đào tạo kéo dài 47 ngày.
Trước khi lên đường, ngày 22-2-2018, giữa anh K. và công ty đã ký HĐĐT. Theo đó, chi phí đào tạo gồm vé máy bay, phụ cấp lưu trú, công tác phí, chi phí đi lại, ăn ở, lệ phí visa, hộ chiếu, tiền lương, tiền đóng BHXH… trong thời gian đào tạo do DN chi trả. Nếu anh K. không hoàn thành khóa đào tạo vì bất kỳ lý do gì hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong thời gian đào tạo hay không bảo đảm thời gian làm việc đã giao kết thì phải bồi hoàn chi phí đào tạo cho DN. Ngoài ra, để bảo đảm việc thực hiện HĐĐT, bố và mẹ của anh K. cũng phải ký cam kết bảo lãnh, chịu trách nhiệm bồi hoàn chi phí đào tạo và khoản tiền phạt gần 200 triệu đồng cho công ty nếu con mình không thực hiện đúng cam kết.
Người lao động đến Báo Người Lao Động nhờ tư vấn pháp luật lao động Ảnh: PHÙNG HÀ
Ngày 18-3-2018, khi đáp chuyến bay đến Hàn Quốc, anh K. đã tách đoàn và cư trú bất hợp pháp tại nước này. Sau nhiều lần liên hệ bất thành, công ty khởi kiện anh K. ra tòa đòi bồi thường thiệt hại. Tại tòa, hội đồng xét xử nhận định HĐĐT và cam kết bảo lãnh mà công ty thực hiện với anh K. và bố mẹ anh là phù hợp với Bộ Luật Lao động và Bộ Luật Dân sự. Do vậy, tòa tuyên buộc anh K. phải bồi hoàn cho công ty hơn 165 triệu đồng chi phí đào tạo. Cha và mẹ của anh cũng phải trả cho công ty gần 200 triệu đồng tiền phạt vi phạm hợp đồng.
Vi phạm thì phải bồi thường
Theo luật sư Nguyễn Văn Phúc, HĐĐT là một loại hợp đồng dân sự và được pháp luật công nhận. Nội dung cam kết trong HĐĐT hoàn toàn do người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động tự nguyện ký kết và không trái quy định của pháp luật nên có tính ràng buộc đối với hai bên. Một khi đã ký kết mà vi phạm điều khoản trong cam kết thì các bên buộc phải bồi thường theo thỏa thuận. Tuy nhiên, theo luật sư Phúc, rất nhiều NLĐ do chưa ý thức đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình khi ký HĐĐT nên tự chuốc thiệt hại về mình.
Chẳng hạn như trường hợp của anh N.X.Q. Anh Q. cho biết ngày 20-8-2017, Công ty TNHH Công trình T.Q (TP Hà Nội) và anh có ký HĐLĐ xác định thời hạn 3 năm và một HĐĐT cử anh đi đào tạo nghề ở Trung Quốc (từ ngày 1-10-2017 đến 30-4-2018). Tổng chi phí đào tạo hơn 460 triệu đồng do công ty đài thọ. HĐĐT có điều khoản anh Q. phải làm việc cho công ty 3 năm kể từ ngày hoàn tất khóa đào tạo; nếu vi phạm, anh Q. phải bồi hoàn toàn bộ chi phí đào tạo. Ngày 6-3-2019, anh Q. nộp đơn xin nghỉ việc vì lý do gia đình và bị công ty khởi kiện đòi bồi hoàn chi phí đào tạo vì vi phạm thời gian làm việc đã thỏa thuận. "Trong quá trình tuyển người đưa đi đào tạo, do thiếu người nên công ty đã bổ sung tôi cho đủ chỗ. Tôi không có tên trong danh sách cử đi học và tham gia lớp học với vai trò quản lý chứ không phải học viên. Khi ký HĐĐT, công ty còn nói sẽ không yêu cầu bồi thường nếu vi phạm các thỏa thuận, nên tôi mới chấp nhận ký. Do vậy, việc công ty khởi kiện yêu cầu bồi hoàn phí đào tạo là không hợp lý" - anh Q. bức xúc. Tại phiên xử mới đây, tòa xác định anh Q. có tham gia khóa đào tạo do công ty tổ chức và có ký cam kết làm việc tại công ty 3 năm. Thế nhưng, do nghỉ việc khi chưa hết thời hạn làm việc đã thỏa thuận nên anh Q. phải bồi thường chi phí đào tạo (460 triệu đồng) cho DN.
Mới đây, TAND huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) buộc anh L.C.T bồi thường cho Công ty TNHH G.V hơn 31 triệu đồng vì vi phạm HĐĐT. Trước đó, công ty đã cử T. đi đào tạo nghề vận hành nhà máy nhiệt điện trong 9 tháng tại Trường Cao đẳng Điện lực TP HCM và có ký HĐĐT. Theo hợp đồng, T. phải hoàn thành khóa học, làm việc tại công ty với thời hạn 5 năm (kể từ ngày 1-6-2018). Tuy nhiên, anh T. chỉ làm việc đến ngày 9-11-2018 thì tự ý nghỉ việc mà không thông báo trước. Sau nhiều lần gửi thông báo mời đến để giải quyết hợp đồng nhưng T. không đến, công ty đã khởi kiện ra tòa. Tại phiên xử mới đây, dù anh T. vắng mặt nhưng tòa vẫn xét xử và tuyên công ty thắng kiện.
Sòng phẳng trách nhiệm
Luật sư Nguyễn Văn Phúc nhìn nhận trong các HĐĐT, chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại chủ yếu là NLĐ. Điều này là hợp lý nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động khi họ là người bỏ tiền của để nâng cao trình độ chuyên môn cho NLĐ. Các quy định về bồi thường thiệt hại chi phí đào tạo cũng là cơ sở để nâng cao ý thức trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quan hệ lao động, từ đó hạn chế tình trạng NLĐ vì ham lợi mà bất chấp thiệt hại của DN sau khi đã được đào tạo. Đồng thời góp phần giáo dục và nâng cao ý thức pháp luật, răn đe những NLĐ thiếu ý thức tuân thủ các quy tắc xử sự chung khi tham gia vào các quan hệ lao động.
Bình luận (0)