Xuyên suốt các vụ ngừng việc, không khó nhận ra tình trạng nhiều doanh nghiệp (DN) cố tình làm trái thỏa thuận hoặc tìm đủ cách để đẩy thiệt thòi về phía người lao động (NLĐ) khi thực hiện chính sách tiền lương.
Theo dõi nguyên nhân các vụ ngừng việc này, ông Hoàng Trí Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Trí Dũng (may gia công quần áo xuất khẩu; quận Bình Tân, TP HCM), bày tỏ: “Để loại trừ mầm mống tranh chấp, các vấn đề lương, thưởng cần phải được DN xem xét giải quyết thấu đáo trên cơ sở hài hòa lợi ích của DN lẫn NLĐ. Làm trái thỏa thuận đã cam kết với NLĐ đồng nghĩa với việc DN ươm mầm bất ổn”.
Nhắc lại chuyện xảy ra cách đây 2 năm, ông Bình cho biết đó là bài học đắt giá của DN trong quá trình điều hành, quản lý. Đầu năm 2014, khi điều chỉnh lương tối thiểu, theo đề xuất của Công đoàn (CĐ) cơ sở, ban giám đốc công ty đồng ý giữ nguyên các khoản phụ cấp (xăng xe, nhà trọ, chuyên cần)... để động viên NLĐ gắn bó lâu dài. Ban giám đốc còn thỏa thuận với CĐ cơ sở cụ thể hóa các chính sách chăm lo nêu trên trong thỏa ước lao động tập thể.
Đến giữa năm 2014, khi tình hình sản xuất, kinh doanh không thuận lợi, công nhân (CN) thường xuyên thiếu việc làm, phòng nhân sự công ty đề nghị ban giám đốc cắt bớt các khoản phụ cấp để giảm chi phí trả lương. Không lường trước được phản ứng của tập thể NLĐ, lãnh đạo DN đã chấp thuận phương án này và hậu quả là toàn bộ CN bỏ việc. Tại buổi hòa giải tranh chấp, khi được CĐ cấp trên tư vấn, công ty đã nhận ra thiếu sót và đồng ý khôi phục quyền lợi cho CN.
Do “quên” nâng lương định kỳ hằng năm cho CN, trước Tết, một DN có vốn đầu tư nước ngoài tại quận Thủ Đức, TP HCM cũng vấp phải phản ứng từ tập thể lao động. Đến khi các cơ quan chức năng can thiệp, lãnh đạo công ty mới cam kết giữ nguyên mức tăng lương hằng năm 5% cho CN.
Pháp luật lao động quy định rất rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động khi xây dựng thang, bảng lương và các chế độ, chính sách khác liên quan đến NLĐ. Chưa hết, DN còn phải tham khảo ý kiến của ban chấp hành CĐ cơ sở và NLĐ. Quy định là vậy song nhiều DN ít quan tâm thực hiện và đây cũng là cơ sở để tranh chấp phát sinh.
Trao đổi với chúng tôi về kinh nghiệm xây dựng chính sách tiền lương và đãi ngộ NLĐ, bà Trần Di Lynh, Giám đốc Công ty TNHH Giày da Vĩnh Phong (quận Bình Tân), nhìn nhận: “Khi xây dựng cơ chế trả lương, thưởng, DN phải thỏa thuận từng điều khoản cụ thể với CĐ cơ sở trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Sau khi đạt được sự đồng thuận, DN phải công khai cho tập thể lao động biết để họ có thể tự giám sát quyền lợi của minh. Công khai, minh bạch chính sách tiền lương là cách tốt nhất để DN loại trừ mầm mống tranh chấp”.
Bình luận (0)