"Nhiều GV mầm non khi tiếp xúc với tôi nói thẳng rằng ở độ tuổi ngoài 50, sức khỏe của họ đã sa sút nhiều, khó có thể tiếp tục dạy trẻ hát, múa như khi còn sung sức. Nếu nâng tuổi nghỉ hưu lên đến 60 tuổi, liệu họ có thể trụ được đến lúc hưởng lương hưu hay không?" - ông Hiểu đặt vấn đề.
Việc tính toán tuổi nghỉ hưu phải phù hợp với từng nhóm đối tượng đặc thù .Ảnh: HỒNG ĐÀO
Qua khảo sát của Công đoàn (CĐ) ngành Giáo dục Việt Nam về độ tuổi nghỉ hưu, trong số 10.698 ý kiến gửi về, có tới 96% ý kiến đề nghị cho GV mầm non được về hưu ở tuổi 55. Cô Nguyễn Thị Kim Hoàng, nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai (quận 3, TP HCM), cho biết GV mầm non là một nghề đặc thù, cường độ làm việc cao và chịu nhiều áp lực nên hao mòn sức khỏe nhanh.
Do vậy, nên để họ nghỉ hưu như quy định cũ (55 tuổi). Theo quy định của Bộ Luật Lao động, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi với nữ vào năm 2035.
Tuy nhiên, người lao động (NLĐ) nặng nhọc, độc hại ở vùng đặc biệt khó khăn hay trong điều kiện đặc biệt độc hại, nặng nhọc được quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 năm. Theo ông Hiểu và nhiều cán bộ CĐ, nếu được bổ sung vào danh mục này, GV mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi 57 đối với nam và 55 đối với nữ.
Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu độc lập và cán bộ CĐ, dự thảo nghị định quy định tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu cũng chưa làm rõ nội dung "trường hợp pháp luật có quy định khác" là trường hợp nào. Do vậy, ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy định nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn đối với một số nhóm đối tượng đặc thù như: GV mầm non, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật (múa, xiếc).
Ngoài ra, cần nghiên cứu, bổ sung quy định theo hướng trao quyền nghỉ hưu cho NLĐ. "Để bảo đảm quyền lợi NLĐ, đặc biệt là lao động nữ, chúng tôi mong muốn nghị định khi đi vào thực thi phải khả thi" - ông Ngọ Duy Hiểu bày tỏ.
Bình luận (0)