Chiều 11-7, tại phiên đàm phán thứ 2, sau nhiều giờ thương lượng, đại diện doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) đã tìm được tiếng nói chung về đề xuất tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2020 là 5,5%.
Lương tối thiểu tăng 150.000-240.000 đồng
Theo phương án này, so với năm 2019, vào năm 2020, LTT vùng 1 sẽ tăng từ 4.180.000 lên mức 4.420.000 đồng (tăng 240.000 đồng); vùng 2 tăng từ 3.710.000 lên 3.920.000 đồng (tăng 210.000 đồng); vùng 3 tăng từ 3.250.000 lên 3.430.000 đồng (tăng 180.000 đồng); vùng 4 tăng từ 2.920.000 lên 3.070.000 đồng (tăng 150.000 đồng).
Đời sống của đại bộ phận công nhân vẫn còn nhiều khó khăn Ảnh: KHÁNH AN
Ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia - đánh giá mức tăng này không những đáp ứng 100% mà còn vượt 0,3% mức sống tối thiểu theo đúng tinh thần của Nghị quyết 27 đề ra đến năm 2020 mức LTT đáp ứng mức sống tối thiểu của NLĐ. Theo chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, trước khi thảo luận ở phiên họp này, Tổng LĐLĐ Việt Nam - đại diện cho NLĐ - đề xuất mức tăng 6,7%; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện chủ sử dụng lao động - đề nghị tăng khoảng 4%. Tuy rằng các mức đề xuất có sự chênh lệch nhưng đã thu hẹp khoảng cách rất nhiều so với phiên họp đầu tiên. Trong khi đó, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia tính toán thiếu hụt 5,2% thì bảo đảm được 100% mức sống tối thiểu của NLĐ. Nghị quyết 27 cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tiền LTT bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. "Chúng tôi kỳ vọng mức LTT đáp ứng mức sống tối thiểu. Vì thế, với việc các thành viên trong hội đồng bỏ phiếu và thống nhất mức tăng LTT vùng năm 2020 tăng 5,5%, không những bảo đảm 100% mức sống tối thiểu mà còn vượt lên hơn 0,3%. Như vậy, cuộc sống của NLĐ sẽ được cải thiện" - ông Diệp nhận định.
Đáp ứng mức sống tối thiểu
Nhận định về mức tăng LTT 5,5%, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho rằng DN chưa thực sự hài lòng với mức tăng này vì sẽ "đội" chi phí của DN lên cao. Điều này đồng nghĩa với việc DN phải nỗ lực rất nhiều trong thay đổi công nghệ, nâng cao tay nghề của NLĐ, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh để tăng sức cạnh tranh. "Mong muốn của DN là tăng lương dưới mức đó. Tuy nhiên, Hội đồng Tiền lương quốc gia hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, có trên 85% đồng ý với mức 5,5%. Do đó DN sẽ phải phấn đấu, đổi mới và có chính sách đào tạo nâng cao tay nghề của NLĐ, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt. Chúng tôi cũng mong NLĐ chia sẻ với DN để đôi bên cùng phát triển. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, các chủ DN phải đổi mới khoa học - công nghệ và quản trị, nâng cao tay nghề" - ông Phòng nói.
Trong khi đó, ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, tỏ ra hài lòng với mức tăng 5,5%. "Tham gia nhiều phiên đàm phán LTT, tôi nhận thấy quan hệ giữa các bên ngày càng hài hòa. Vì vậy, đàm phán LTT năm nay kết thúc sớm mà không cần phải chờ đến phiên thứ 3. Các bên đã thật sự hiểu nhau, chia sẻ và có trách nhiệm chung, nhận thức về tiền LTT của NLĐ. Chúng tôi hy vọng mức tăng khoảng 5,6%-6,5%. Phương án tăng 5,5% cũng có thể chấp nhận được. Mức tăng này đáp ứng mức sống tối thiểu của NLĐ" - ông Quảng đánh giá. Tuy nhiên, theo ông Quảng, đây chỉ là tiền LTT vùng, còn lương của NLĐ vẫn rất thấp , cho nên sắp tới Công đoàn sẽ thương lượng với người sử dụng lao động để NLĐ nhận được mức lương tương xứng với công sức bỏ ra.
Trước đó, kết thúc phiên đàm phán thứ 1 diễn ra trong tháng 6-2019, các bên đã đưa ra 6 phương án LTT mà không đạt được sự đồng thuận vì khoảng cách quá lớn. Đại diện chủ sử dụng lao động là VCCI đưa ra 2 phương án, không tăng và tăng từ 1%-2%, trong khi Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất mức tăng từ 7%-8%.
Anh BÙI ĐÌNH NGỌC, công nhân Công ty CP Đầu tư Long Biên (Hà Nội):
Tăng lương phải đồng hành tăng mức sống
Tôi năm nay 26 tuổi, đã đi làm hơn 5 năm với mức thu nhập hơn 8 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, dù còn độc thân, chưa phải lo cho con cái nhưng tháng mà tôi tiết kiệm được nhiều nhất là hơn 2 triệu đồng. Thực tế cho thấy với chi phí đắt đỏ ở các thành phố lớn, một người độc thân mỗi tháng tốn khoảng 4 triệu đồng cho ăn uống, nhà trọ, điện nước. Đó là chi phí cố định, chưa kể đến đám tiệc và các khoản phát sinh. Như vậy, mức lương tối thiểu hiện nay chỉ đáp ứng được mức sống tối thiểu của một người độc thân. Còn khi đã có gia đình, mức lương tối thiểu hiện tại không thể bù vào các khoản chi bắt buộc cho con cái như học hành, sữa tã, tiêm phòng...
Việc điều chỉnh tăng nhỏ giọt hằng năm như hiện nay khó đáp ứng được cuộc sống của người lao động. Chúng tôi phải chọn công việc có mức lương cao hơn hoặc làm việc nhiều hơn. Theo tôi, lương tối thiểu cần đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của một người trưởng thành cộng thêm những chi phí bắt buộc, ít nhất là học phí cho một đứa trẻ. Để đạt được mục tiêu này, mức điều chỉnh lương năm 2020 ít nhất là 10%.
Chị NGUYỄN THỊ HOÀI THU, công nhân Công ty TNHH Freetrend A (KCX Linh Trung 2, quận Thủ Đức, TP HCM):
Công nhân đang sống dưới mức tối thiểu
Hiện nay, với mức lương và phụ cấp 5 triệu đồng/tháng, công nhân (CN) làm sao sống được? Để có tiền trang trải, CN buộc phải tăng ca. Tôi biết nhiều anh chị em khi đến phỏng vấn xin việc ở các công ty đều hỏi có tăng ca hay không, nếu không thì họ sẽ tìm chỗ khác. Có ý kiến phê phán chúng tôi thích tăng ca nhưng mấy ai trả lời được câu hỏi không tăng ca thì CN sống bằng gì? Ở nhiều DN, dù tăng ca đến tối mịt mới về nhà nhưng thu nhập của CN cũng chỉ ở mức 7-8 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, may ra CN độc thân còn trụ được, chứ người có gia đình, con cái thì hết sức chật vật, ăn trước trả sau, thậm chí vay nợ xã hội đen. Nhiều người phải lặn hụp trong vòng xoáy nợ nần. Đời sống khó khăn do thu nhập thấp, nhiều CN không dám lập gia đình.
Hiện nay, mọi thứ đều tăng giá, từ điện, nước, nhà trọ đến thực phẩm... nhưng lương CN tăng rất ít. Vì thế, chúng tôi mong muốn Hội đồng Tiền lương quốc gia xem xét mức tăng lương thích hợp để CN có thể sống được, lo được cho gia đình và con cái.
T.Nga - H.Đào ghi
Bình luận (0)