xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mặc cả trên lưng người lao động

HỒNG VÂN

Trong cơ chế hiện nay, người lao động thấy giới chủ và những người hậu thuẫn cho họ cố tình chèn ép, đẩy người lao động đến chỗ khốn cùng

“Nếu cứ than nghèo kể khổ hoài thì cũng kỳ nhưng thật lòng, đã lâu rồi, chúng tôi sống vật vờ, cố bám víu công việc với đồng lương chết đói. Nghỉ việc để sang nơi khác ư? Chỗ nào cũng vậy thôi. Trên cả đất nước này, có thể nói, TP HCM là nơi dễ tìm việc, dễ kiếm sống nhất, nếu đi chỗ khác chưa chắc đã được như ở đây”. Chị Lê Thị Thu - công nhân (CN) một công ty da giày ở quận Bình Tân, TP HCM - than thở như vậy khi chúng tôi đề cập đến việc hôm nay, ngày 2-8, dự kiến Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ họp phiên thứ II để thương lượng về tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2017.

Sống chật vật

Công ty nơi chị Thu làm việc có hơn 3.000 CN. Theo báo cáo của công ty tại hội nghị người lao động (NLĐ) năm 2016, tiền lương bình quân của NLĐ đạt 4,3 triệu đồng/người/tháng (chưa kể tăng ca). “Lương cơ bản của phần lớn CN khoảng 3,7 triệu đồng/người/tháng. Công ty đài thọ bữa ăn giữa ca và hỗ trợ thêm tiền nhà trọ, đi lại, thâm niên, nuôi con nhỏ... tổng cộng khoảng 500.000 đồng/tháng. Nếu tháng nào có tăng ca thì thu nhập được trên 5 triệu đồng, chật vật lắm mới đủ xoay xở” - chị Thu kể.

Tại TP HCM, nhiều công nhân đang “sống dưới mức tối thiểu” như thế này Ảnh: THANH NGA
Tại TP HCM, nhiều công nhân đang “sống dưới mức tối thiểu” như thế này Ảnh: THANH NGA

Ngay bên cạnh công ty của chị Thu là một doanh nghiệp (DN) chế biến thực phẩm. Anh Võ Ngọc Ẩn, tổ trưởng tổ sơ chế, làm việc được 7 năm. Thu nhập hằng tháng của anh bao gồm lương cơ bản, phụ cấp chức vụ, độc hại, tiền xăng, thâm niên, tổng cộng khoảng 7 triệu đồng. “Tôi là tổ trưởng, có thêm phụ cấp mỗi tháng 1,2 triệu đồng chứ CN trực tiếp tiền lương chỉ tầm 5 triệu đồng/tháng. Với thu nhập như vậy, CN độc thân còn đỡ chứ những người có gia đình thì mệt lắm. Chỉ riêng tiền sữa cho con, tiền gửi con nhà trẻ mỗi tháng cũng hơn 3 triệu đồng. Làm CN, ai gan lắm mới dám lập gia đình, đẻ con” - anh Ẩn tâm sự.

Muốn có đồng lương tương xứng

“Đầu tháng 6-2016, chúng tôi đã tiến hành khảo sát vấn đề việc làm, tiền lương, phúc lợi của NLĐ tại 100 DN ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Kết quả cho thấy chỉ 3 DN ngành điện tử có tiền lương bình quân của NLĐ trên 7 triệu đồng/người/tháng; 67 DN có thu nhập bình quân 5,2 triệu đồng/người/tháng; số còn lại có thu nhập trong khoảng 4 triệu đến dưới 5 triệu đồng/người/tháng. Đáng nói là số giờ tăng ca bình quân mỗi tháng lên đến 60 giờ. Điều đó cho thấy nếu chỉ làm việc trong giờ tiêu chuẩn thì tiền lương của NLĐ rất thấp”. Ông Trần Quốc Vinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển thị trường lao động Đồng Nai, chia sẻ.

Tuy nhiên, điều khiến ông Vinh ngạc nhiên là một kết quả khảo sát khác. Khi được hỏi “Có mong muốn nhà nước tăng LTT hay không?” thì có đến 87% trong số 500 CN được hỏi trả lời “không”. Lý do họ đưa ra là mỗi lần nhà nước tăng LTT vùng thì NLĐ lại khốn đốn vì giá cả leo thang. Chị Võ Thị Nguyệt, Công ty Nam Cường (tỉnh Bình Dương), nói thẳng: “Nhà nước chưa tăng lương thì mọi thứ đã lên giá vùn vụt từ cọng rau, con cá, miếng thịt đến nhà trọ, điện, nước... Thay vì tăng lương thì nhà nước giữ giá giùm để CN bớt khổ”.

Đồng tình với chị Nguyệt, quản đốc của chị, ông Lê Minh Chiến, còn hé lộ một lý do khiến nhiều người phải suy nghĩ. “Mỗi lần họp bàn tăng LTT vùng, tôi thấy họ cò kè bớt một thêm hai, rồi báo chí lên tiếng kể lể về cuộc sống khốn cùng của NLĐ như muốn kêu gọi giới chủ rũ lòng thương hại, bố thí thêm chút đỉnh cho NLĐ khỏi chết đói. Tôi thấy như vậy là xúc phạm chúng tôi. Đổi sức lao động để mưu sinh, chúng tôi muốn có đồng lương tương xứng với công sức bỏ ra, thế nhưng trong cơ chế hiện nay, tôi thấy giới chủ và những người hậu thuẫn cho họ cố tình chèn ép, đẩy NLĐ đến chỗ khốn cùng. Họ đã quên mất một điều, không có NLĐ, họ không thể tổ chức sản xuất. Mặt khác, con giun xéo lắm cũng oằn. Đến lúc nào đó, NLĐ phản ứng thì hậu quả sẽ khó lường” - ông Lê Minh Chiến cho biết.

Phải ứng xử văn minh với NLĐ

Giáo sư Trần Bích Ngọc (California State University, Monterey Bay- USA), người có hàng chục năm nghiên cứu về quan hệ lao động tại Việt Nam nhận định: Điều 91 Bộ Luật Lao động hiện hành quy định mức LTT là mức thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Như vậy phải hiểu rằng theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam, LTT là “lương đủ sống” cho bản thân NLĐ và gia đình họ. Song trong thực tế, theo kết quả khảo sát của Viện CN - Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), tiền LTT hiện nay chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của NLĐ.

Để vạch trần một trong những thủ đoạn “ép giá lao động” của các DN tại Việt Nam, giáo sư Bích Ngọc đã viện dẫn Bộ Quy tắc ứng xử của Liên minh Công nghiệp điện tử (EICC) mà nhiều DN điện tử trong liên minh đang hoạt động tại Việt Nam. EICC đưa ra các tiêu chuẩn để bảo đảm rằng điều kiện làm việc trong chuỗi cung ứng của ngành điện tử được an toàn, NLĐ được đối xử một cách xứng đáng và tôn trọng, các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm với môi trường và được thực hiện một cách có đạo đức.

Bộ quy tắc nêu rõ một DN, trong tất cả hoạt động của mình, phải tuân thủ đầy đủ pháp luật, các quy tắc và quy định của các quốc gia mà DN đó hoạt động. Tiền lương trả cho NLĐ phải tuân theo tất cả điều luật về tiền lương hiện hành, bao gồm cả những điều luật có liên quan đến mức LTT, giờ làm thêm và phúc lợi bắt buộc theo pháp luật. Không riêng ngành điện tử mà các ngành khác cũng có những bộ quy tắc ứng xử văn minh nếu muốn sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận. Tôi nghĩ Hội đồng Tiền lương Quốc gia nên xem xét thấu đáo, không nên để giới chủ mặc cả trên lưng NLĐ như vậy”.

Ông Đinh Tuấn Kiệt, Chủ tịch Công đoàn Công ty Vĩ Châu (quận 7, TP HCM):

Lương phải bù trượt giá

Mức LTT hiện tại chỉ có thể đáp ứng 70%-80% mức sống tối thiểu của NLĐ. Hiểu rõ điều đó và để góp phần san sẻ một phần khó khăn với NLĐ, rất nhiều DN, trong đó có công ty chúng tôi, đã hỗ trợ thêm các khoản phụ cấp để họ có thể ổn định cuộc sống. Là người làm công ăn lương, hơn ai hết, NLĐ đều mong mỏi có thể tích lũy để lo cho tương lai song với tình hình hiện tại thì mong ước ấy quá xa vời. Thực tế, sau mỗi đợt nâng lương, CN chưa kịp mừng thì đã phải đối diện với hàng loạt khó khăn do chủ nhà trọ tăng giá thuê phòng, chưa kể các mặt hàng thiết yếu cũng té nước theo mưa. Rõ ràng, nỗi lo cơm áo gạo tiền khiến số đông CN rất lo lắng cho tương lai và không ít người phải về quê do không kham nổi nhu cầu sống tối thiểu.

Lần họp Hội đồng Tiền lương Quốc gia này, chúng tôi mong VCCI, Bộ LĐ-TB-XH và Tổng LĐLĐ Việt Nam phải tính toán thật kỹ để xây dựng phương án nâng LTT phù hợp nhằm giúp NLĐ ổn định cuộc sống một cách căn cơ. Cơ sở tính toán phải dựa trên kết quả khảo sát thực trạng đời sống CN, nhất là CN nhập cư và phải tính được mức bù trượt giá, có như vậy thì việc nâng lương mới có ý nghĩa.

Chị Trần Thị Thắng, Công nhân KCN Bình Chiểu, TP HCM:

Mong cuộc sống bớt khó khăn

Cuộc sống ở quê quá khó khăn nên vợ chồng tôi cực chẳng đã mới phải rời quê vào TP HCM lập nghiệp. Dù đã nhiều năm, hai vợ chồng làm công nhân, có việc làm, có thu nhập nhưng thực sự thì rất khó để tích lũy bởi sinh hoạt phí ở đây cao hơn so với thu nhập của CN. Vì vậy, con cái chúng tôi cũng đành phải gửi về quê Nghệ An cho ông bà chăm sóc. Dù rất nhớ con nhưng mấy năm chúng tôi mới dám về thăm con một lần, ăn Tết ở quê lại càng hiếm. Tôi rất mừng vì hằng năm, Chính phủ đều quan tâm, điều chỉnh LTT để NLĐ có thêm thu nhập. Hy vọng năm 2017, tỉ lệ điều chỉnh sẽ cao hơn để CN bớt khó khăn.

T.Nga - V.Tùng ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo