“Để xảy ra ngừng việc trước tiên là lỗi của ban giám đốc khi không xem xét, giải quyết vụ việc một cách thấu đáo, gây bức xúc cho anh em công nhân (CN). Thay mặt ban giám đốc, tôi gửi lời xin lỗi đến toàn thể anh em và mong mọi người trở lại làm việc bình thường” - ông Đào Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH Kiến Bình (gia công giày xuất khẩu; quận Bình Tân, TP HCM), bày tỏ như vậy tại buổi hòa giải tranh chấp mới đây.
Lấy thiện chí làm gốc
Tranh chấp tại công ty khởi phát từ việc một chuyên gia kỹ thuật nước ngoài mới đây tuyên bố cắt hết khoản thưởng chuyên cần, năng suất của 150 CN ở chuyền I do để xảy ra lỗi sản phẩm. Ấm ức vì bị quơ đũa cả nắm, đặc biệt là thu nhập giảm sút, khoảng 60 CN ở chuyền I đã tự ý bỏ việc khiến sản xuất bị đình trệ.
Ban giám đốc lập tức tìm hiểu vụ việc và phát hiện vị chuyên gia nói trên và quản lý chuyền đã có cảm tính trong việc xác định lỗi của CN. Thực tế, do áp lực về sản lượng, một bộ phận CN đã cố tình làm dối khiến nhiều sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, bị khách hàng trả về. Thay vì tìm hiểu cặn kẽ lỗi của từng người, vị chuyên gia này và quản lý chuyền quyết định cắt hết các khoản thưởng. Kiểm tra hệ thống camera quan sát, ban giám đốc không khó phát hiện lỗi của nhóm CN có hành vi gian dối và lập tức gửi lời xin lỗi nhóm CN bị oan. Công ty cũng buộc chuyên gia nói trên và quản lý chuyền xin lỗi CN. Cách giải quyết vụ việc có lý, có tình của ban giám đốc đã thuyết phục số đông CN. “Để xảy ra bức xúc, lỗi hoàn toàn thuộc về đội ngũ cán bộ quản lý. Là người đứng đầu doanh nghiệp (DN), tôi thấy mình có trách nhiệm và cố gắng sửa sai” - ông Bình bộc bạch.
Cách đây không lâu, bất đồng trong công tác điều hành, quản lý giữa các thành viên trong (HĐQT) tại Công ty TNHH T.T (gia công hàng may mặc; thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) không chỉ gây xáo trộn đến tình hình quan hệ lao động mà còn gây thiệt thòi quyền lợi gần 200 CN. Khi công ty gặp khó khăn, đã có 3/4 thành viên HĐQT đề nghị cắt các khoản phụ cấp để giảm chi phí trả lương trong khi thành viên còn lại (tổng giám đốc) không đồng ý bởi điều này sẽ tạo cú sốc tâm lý cho CN. Hay tin, Công đoàn (CĐ) cơ sở đề xuất tổ chức một buổi đối thoại giữa HĐQT và tập thể CN để tìm hướng giải quyết vụ việc. Với lập luận xác đáng của CĐ cơ sở dựa trên các căn cứ về pháp luật lao động, đặc biệt là ý kiến của tập thể CN, 3 thành viên HĐQT đã rút lại ý định trái luật. “Nếu CĐ cơ sở không đứng ra tổ chức đối thoại, DN sẽ không nắm được tâm tư, nguyện vọng của anh em CN. Thực tế, việc tùy tiện đưa ra quyết định trái luật, gây ảnh hưởng đến đời sống CN sẽ khiến DN trả giá. Mở lòng với nhau, các bên liên quan sẽ sớm hóa giải bức xúc” - ông Diệp Kiến Long, tổng giám đốc công ty, thừa nhận.
Không ngại đối thoại
Nhiều DN sau khi xảy ra tranh chấp đã rút ra được kinh nghiệm quý trong việc hàn gắn quan hệ lao động, bắt đầu từ việc xây dựng quan hệ hợp tác với CĐ cơ sở và biết lắng nghe CN. “Sau tranh chấp, điều CN mong muốn nhất là DN phải có thiện chí sửa sai bằng hành động cụ thể thay vì hứa suông. Có tinh thần cầu thị sẽ giúp DN sớm ổn định quan hệ lao động” - ông Giang Văn Nam, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM, khẳng định.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều chủ DN tại TP HCM cũng có cùng chung suy nghĩ này. Tại Công ty TNHH Mach Knit Vina (huyện Bình Chánh, TP HCM), sau những bất ổn không đáng có xuất phát từ cung cách điều hành quản lý, ban giám đốc đã quyết tâm lấy lại niềm tin với tập thể lao động. Đặt niềm tin vào CĐ cơ sở, ban giám đốc đã sớm tìm được sự đồng thuận khi phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm và thu nhập của CN. Nhờ đó, đời sống vật chất lẫn tinh thần CN không ngừng được cải thiện. Theo ông Nguyễn Huy Cường, chủ tịch CĐ công ty, gắn kết trách nhiệm với CĐ trong việc hóa giải bức xúc của CN, sự lựa chọn của ban giám đốc đã góp phần ổn định quan hệ lao động lâu dài.
Ở một số DN như Công ty TNHH Giày da Huê Phong, Sedo Vina (quận Gò Vấp), Quảng Việt (huyện Củ Chi), với mục tiêu không để mâu thuẫn phát sinh, ban giám đốc sẵn sàng đối thoại với tập thể CN ngay khi nhận được yêu cầu. Với sự hỗ trợ tích cực từ CĐ cơ sở, mọi bức xúc của CN đều được DN giải quyết thỏa đáng, nhờ đó quan hệ lao động luôn đi vào quỹ đạo ổn định.
“Mở lòng với CN và chủ động hợp tác với CĐ khi đối thoại, thiện chí ấy của lãnh đạo DN là nhân tố bình ổn quan hệ lao động” - ông Trần Văn Hên, Chủ tịch CĐ Công ty Quảng Việt, nhìn nhận.
Theo ông Bùi Minh Anh, Giám đốc Công ty TNHH Anh Minh (trần thạch cao; quận 10, TP HCM), chủ động hợp tác với CĐ, đặc biệt ứng xử có trách nhiệm trong giải quyết các gút mắc của NLĐ, chắc chắn DN được lợi trong quan hệ lao động.
Bình luận (0)