Việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 103/2014/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng mới (bình quân mỗi vùng tăng từ 250.000-400.000 đồng) là tin vui đối với người lao động. Thế nhưng, ở một số doanh nghiệp (DN), công nhân (CN) không hề thấy phấn chấn. Chị Hằng - CN một công ty may mặc tại quận Gò Vấp, TP HCM - than thở: “Cứ mỗi lần nhà nước lên lương thì công ty tìm mọi cách siết lại. Kết cục, mức lương thì có tăng nhưng tổng thu nhập vẫn đứng yên tại chỗ. Lần này cũng vậy”.
Cắt phụ cấp
Tại công ty của chị Hằng, theo thỏa thuận trên hợp đồng lao động, CN hưởng lương thời gian với mức lương cơ bản từ 3,19-3,45 triệu đồng/tháng, tùy thâm niên. Ngoài lương, những CN bảo đảm ngày giờ công sẽ được phụ cấp chuyên cần 150.000 đồng/tháng. Cuối tháng 10 vừa qua, trong buổi họp định kỳ đầu tuần, công ty đột ngột thông báo sẽ thay đổi cách tính lương từ lương thời gian sang lương sản phẩm, đồng thời mức lương cơ bản của CN sẽ cào bằng là 3,19 triệu đồng/tháng. Quyết định này được công ty thông báo sẽ áp dụng ngay trong ngày khiến tập thể CN rất bất bình.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều CN cho biết đây không phải lần đầu công ty siết thu nhập của CN như vậy. Năm ngoái, khi chưa kịp mừng vì được tăng lương cơ bản từ 400.000- 500.000 đồng/ tháng, CN đã “méo mặt” vì khoản phụ cấp ABC (500.000 đồng/tháng) “bỗng dưng biến mất” khỏi bảng lương. Ông N.T.L, trưởng phòng nhân sự, khẳng định không hề cắt phụ cấp ABC mà chuyển khoản đó thành... thưởng năng suất. “Công ty chống chế thôi chứ khoản thưởng đó rất ít CN được nhận và mức nhận cao nhất cũng chỉ 250.000 đồng/tháng” - CN tên Hạnh cho biết.
Nhập nhèm mức lương và thu nhập
Sau 4 năm làm việc, mức lương cơ bản thể hiện trên hợp đồng lao động của chị Lan, CN Công ty V.K (huyện Củ Chi, TP HCM), là 3,5 triệu đồng/tháng. Mức lương ấy chỉ dùng làm căn cứ đóng BHXH còn lương thực nhận của chị sẽ bao gồm lương tháng (tính theo sản phẩm) và phụ cấp lương. Tuy nhiên, theo tài liệu chúng tôi có được, khoản lương tháng mà Công ty V.K trả cho chị Lan (và tất cả CN) thấp hơn mức quy định của nhà nước rất nhiều. Đơn cử tháng 9-2014, với năng suất cao nhất nhì trong chuyền, đi làm đủ 26 ngày công, tăng ca 45 giờ nhưng mức lương tháng chị Lan nhận được chỉ là 1,745 triệu đồng/tháng.
Một cán bộ LĐLĐ huyện Củ Chi khẳng định: “Cần phân biệt rõ lương và phụ cấp, mức lương và tổng thu nhập. Theo quy định, dù trả lương theo cách nào, mức lương mà DN trả cho người lao động cũng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng (ở Củ Chi hiện là 2,7 triệu đồng/tháng). Tổng thu nhập của CN tại Công ty V.K cao hơn mức lương tối thiểu vùng nhưng mức lương công ty trả cho CN lại thấp hơn lương tối thiểu vùng là không đúng quy định”.
Chưa hết, mới đây, công ty còn giảm đơn giá 200 đồng/sản phẩm mà không một lời giải thích. “Với kiểu tính toán nhập nhèm như vậy, liệu khi công ty điều chỉnh lương tối thiểu vùng vào đầu năm 2015, lương của chúng tôi có thật sự được tăng?” - CN tên Trung hoài nghi.
Hạ bậc thợ để giảm lương
Cũng không nằm ngoài mục đích siết lương CN, một số DN đã nghĩ ra khá nhiều “chiêu độc”. Chẳng hạn, cách đây ít lâu, sau khi tăng lương cho CN (250.000 đồng/người/tháng), Công ty Y.W (huyện Hóc Môn, TP HCM) đã nghĩ ra kế tổ chức thi tay nghề cho toàn bộ CN nhằm hạ bậc thợ, giảm lương. Trước cuộc thi có 60%-70% CN đang ở bậc thợ là A, A+ (bậc cao nhất) thì sau cuộc thi, không có CN nào đạt loại A. Thậm chí, nhiều CN còn bị xếp bậc E, F (bậc thấp nhất mà trước đây không có). Chị Huệ, một CN, bức xúc: “Khi vào làm, công ty đã thử tay nghề và xếp tôi vào bậc thợ A+, hưởng lương cơ bản là 3,7 triệu đồng/tháng. Nay sau 5 năm làm việc, tôi bị hạ xuống bậc B+, nhận mức lương 3,3 triệu đồng/tháng. Khoản bị giảm còn nhiều hơn số tiền công ty đã tăng cho chúng tôi”.
Siết bậc thợ để hạ lương chưa đủ, công ty còn tìm nhiều cách để trừ tiền, chẳng hạn đi vệ sinh trong giờ làm việc trên 10 lần/tháng sẽ bị lập biên bản. Chỉ cần “dính” 1 biên bản/tháng sẽ bị trừ hết tiền phụ cấp xăng và nhà trọ (từ 300.000-400.000 đồng); bị lập biên bản 2 lần/tháng, CN bị trừ 3 tháng tiền phụ cấp xăng, nhà trọ của 3 tháng liền kề…
Đây chỉ là một số trường hợp điển hình trong số rất nhiều DN đang dùng thủ thuật để đối phó với việc tăng lương tối thiểu vùng sắp tới. Nếu cơ quan lao động không phát hiện và ngăn ngừa kịp thời thì tranh chấp vào dịp cuối năm là điều khó tránh.
Bình luận (0)