Trong lần khảo sát ý kiến công nhân (CN) về đề xuất kéo dài thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2015 (9 ngày) và dịp lễ 30-4, 1-5 (8 ngày) của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới đây, bên cạnh một số người tán đồng cũng có không ít CN băn khoăn. Chị Nguyễn Thị Phượng - CN một doanh nghiệp (DN) đóng tại quận 12, TP HCM - cho biết: “Nếu nghỉ dài ngày, chúng tôi cũng chỉ được trả lương những ngày nghỉ theo quy định, các ngày dư ra thì bị trừ vào phép năm. Do đó, sau 2 đợt nghỉ dài ngày này, chúng tôi không còn ngày phép năm để nghỉ vào những lúc cần”. Đây cũng chính là tâm trạng của nhiều CN trước tình trạng phép năm đang bị một số DN sử dụng tùy tiện.
DN toàn quyền định đoạt!
Theo quy định, người sử dụng lao động (NSDLĐ) có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động (NLĐ) và phải thông báo trước cho NLĐ. Tuy nhiên, nhiều DN chỉ thực hiện vế đầu của quy định, nghĩa là “NSDLĐ có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm”. Công ty TNHH T.N (huyện Hóc Môn, TP HCM) là một điển hình.
Cuối tháng 7-2014, DN thông báo không giải quyết nghỉ phép năm từ tháng 8 đến hết năm 2014. Số ngày nghỉ phép này sẽ được khấu trừ vào những ngày nghỉ Tết Nguyên đán. CN nào có nhu cầu nghỉ phép thì được giải quyết nghỉ không lương và không được hưởng tiền chuyên cần. Không những thế, mỗi tháng, công ty chỉ giải quyết cho CN nghỉ 1 ngày phép, nếu nghỉ 2 ngày thì bị trừ lương và trừ tiền chuyên cần (200.000 đồng). Chị N., một CN, cho biết: “Lúc hết hàng hoặc cúp điện, công ty cho CN nghỉ làm cũng trừ vào phép năm nên khi chúng tôi bị bệnh hay có việc riêng thì đành phải nghỉ không lương”.
Việc DN chiếm dụng ngày phép của CN để trừ vào những ngày nghỉ bù dịp lễ, Tết, hết hàng hay cúp điện đang diễn ra rất phổ biến. Cách đây ít lâu, dù thông báo hết đơn hàng nhưng thay vì cho CN nghỉ làm hưởng lương chờ việc thì chi nhánh Công ty Moland (quận 12) lại ép họ phải nghỉ phép năm. Do 2 đợt “bị” nghỉ phép tổng cộng đến 13 ngày, đa số CN đều bị lố phép năm nên công ty quyết định “tạm ứng” cả phép năm sau cho họ.
Nghỉ phép cũng bị làm khó
Ngày nghỉ hằng năm (thường gọi là phép năm) là số ngày nghỉ có hưởng lương của NLĐ trong năm theo luật định. Tuy nhiên, nhiều DN lại cố tình phớt lờ, tìm cách gây khó dễ, thậm chí trừ lương khi CN nghỉ phép.
Ở Công ty TNHH T.V (huyện Hóc Môn), CN chỉ được nghỉ phép khi có giấy xác nhận tình trạng sức khỏe của bệnh viện; số còn lại dù có hay không xin phép cũng đều bị quy là nghỉ không phép, sẽ bị trừ tiền chuyên cần (300.000 đồng/tháng) và phụ cấp xăng, nhà trọ (15.000 đồng/ngày), thậm chí bị đuổi việc. “Theo quy định, khi nghỉ bệnh có giấy xác nhận của bệnh viện, NLĐ được hưởng trợ cấp của cơ quan BHXH nhưng công ty lại tùy tiện cấn trừ vào phép năm. Rõ ràng là chèn ép CN” - CN tên Trang bức xúc.
Để không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, việc yêu cầu CN báo trước lịch nghỉ phép nhằm tiện sắp xếp, bố trí công việc là cần thiết nhưng một số DN lại vin vào cớ này để o ép CN. Tại công ty TNHH L.V (Bình Dương), khi gia đình CN có việc (thuộc các trường hợp được nghỉ hưởng nguyên lương) hay bản thân CN bị bệnh đột xuất phải nghỉ việc (có giấy khám bệnh của bác sĩ) thì vẫn bị trừ điểm thi đua. Cứ nghỉ 1 ngày bị trừ 2 điểm, nếu bị trừ 5 điểm sẽ hạ bậc thi đua và trừ 50% tiền thưởng; nếu bị trừ 25 điểm sẽ mất hết tiền thưởng.
Có thể nghỉ nhiều lần hoặc nghỉ gộp nhiều năm
Điều 111, Bộ Luật Lao động quy định: NLĐ có đủ 12 tháng làm việc cho một NSDLĐ thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương 12, 14 hoặc 16 ngày tùy theo điều kiện làm việc bình thường hay nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. NSDLĐ có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của NLĐ và phải thông báo trước cho NLĐ. NLĐ có thể thỏa thuận với NSDLĐ để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm một lần.
Bình luận (0)