Trình bày trường hợp của mình, bà Đặng Ngọc Thanh Trang cho biết bà ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ năm 2011 với Công ty TNHH Bạch Kim Toàn Cầu (KCX Tân Thuận, TP HCM). Trong quá trình làm việc, bà Trang được đề bạt làm trưởng nhóm phụ trách thiết kế dự toán cho một đối tác nước ngoài. Cuối tháng 7-2018, với hy vọng có thêm cơ hội phát triển, bà Trang có đơn xin chuyển công việc sang một nhóm khác cùng công ty. Do công ty không đồng ý giải quyết nên bà Trang vẫn tiếp tục làm việc bình thường.
Hành xử tùy tiện
Tuy nhiên, cho rằng đề nghị làm ảnh hưởng hoạt động chung của nhóm, cuối tháng 8-2018, công ty buộc bà Trang phải rời khỏi vị trí công việc và chuyển xuống phòng nhân sự mà không có bất cứ một quyết định nào. "Sau đó, công ty mới ban hành quyết định gọi là điều chuyển nhân sự mà không có lý do và cũng không căn cứ vào một quy định cụ thể nào, chỉ ghi chung chung căn cứ vào tình hình hoạt động của công ty. Trong khi đó, tôi không vi phạm gì để phải bị điều chuyển" - bà Trang bức xúc.
Bà Đặng Ngọc Thanh Trang tiếp xúc với phóng viên Báo Người Lao Động
Theo quyết định điều chuyển nhân sự, bà Trang bị chuyển ra khỏi các công việc chuyên môn của một trưởng nhóm để trở thành "nhân viên kỹ thuật" và chịu sự quản lý của phòng nhân sự cho đến khi công ty sắp xếp công việc mới. Bà Trang cũng bị cấm đi lên khu vực làm việc trước đó của mình, tiền lương cũng bị giảm tương ứng với chức danh mới. Từ đó đến nay, gần một năm trôi qua, bà Trang vẫn không được bố trí công việc nào, cũng không được trở về vị trí cũ. "Nói là điều chuyển nhân sự nhưng tôi phải ngồi chơi xơi nước tại phòng nhân sự, lương bị giảm hơn 60% thì là có khác gì bị cách chức. Tất cả những gì tôi có chỉ là một cái bàn trống trơn" - bà Trang cho biết thêm.
"Khủng bố" tinh thần
Điều bức xúc hơn cả, theo bà Trang, là từ sau sự việc, bà bị công ty dùng rất nhiều hình thức để o ép, gây ức chế tinh thần nặng nề. Đầu tiên là việc bà bị công ty liên tục gửi các thư khiển trách và bị buộc phải ký vào vì những lỗi mà mình không phạm nếu muốn được tiếp tục làm việc. "Thậm chí ,tôi xin nghỉ phép do bận việc gia đình và được cấp trên trực tiếp duyệt trước nhưng đến ngày nghỉ phép vẫn bị gọi vào và bị quy chụp là thiếu tinh thần trách nhiệm" - bà Trang cho biết.
Không đồng ý với cách hành xử của công ty, bà gửi đơn đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận 7 đề nghị hòa giải. Tuy nhiên, công ty lại yêu cầu bà phải làm việc với luật sư của công ty dưới sự giám sát của bảo vệ vào đúng ngày mà cơ quan chức năng mời hai bên đến làm việc. Quá đáng hơn, bà Trang còn không được cài dấu vân tay để ra vào phòng nhân sự. Mọi việc di chuyển, đi lại trong công ty, thậm chí đến vệ sinh cá nhân cũng phải nhờ đồng nghiệp trong phòng mở hộ cửa. "Người gọi là luật sư của công ty quy chụp tôi là "phá" công ty, thậm chí còn chỉ đạo các nhân viên khác không mở cửa cho tôi ra ngoài trong giờ giải lao. Vì quá ức chế nên tôi phải làm đơn kêu cứu nhờ cơ quan công an can thiệp vì bị xâm phạm tự do cá nhân" - bà Trang kể lại.
Tiếp đó, mỗi ngày, bà nhận được những phiếu giao công việc hết sức quái đản, cụ thể là đọc tài liệu kỹ thuật và sau đó viết thu hoạch. Có ngày, bà Trang phải đọc hơn 50 trang tài liệu và đến 18 giờ mới hoàn thành bài thu hoạch. Nếu không hoàn thành thì không được trả lương ngày đó. Đỉnh điểm là suốt hơn một tuần trong tháng 12-2018, công ty bố trí một bảo vệ nữ theo dõi sát và ghi chép mọi hoạt động của bà Trang trong cả ngày. Theo bà Trang, hành vi này không chỉ xúc phạm đến danh dự cá nhân mà còn gây tổn thương tâm lý nặng nề cho bà. Sau khi hòa giải không thành, cuối tháng 1-2019, bà Trang đã khởi kiện công ty đến TAND quận 7, TP HCM. Tuy nhiên đến nay, vụ việc vẫn chưa được đưa ra xét xử. Phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ với công ty để làm rõ, song công ty này từ chối đưa ra ý kiến về vụ việc.
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật LĐLĐ TP HCM:
Vi phạm pháp luật lao động
Theo quy định tại điều 31 Bộ Luật Lao động và Nghị định 05/2015/NĐ-CP, khi gặp khó khăn đột xuất, thiên tai...hoặc do nhu cầu sản xuất kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động (NLĐ) làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ khi được sự đồng ý của NLĐ. Trong đó, nếu do nhu cầu sản xuất kinh doanh thì phải quy định cụ thể trong nội quy lao động. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ.
Việc công ty điều chuyển NLĐ làm công việc khác so với hợp đồng lao động suốt gần một năm qua mà không được NLĐ đồng ý và giảm hơn phân nửa tiền lương là không đúng so với quy định của pháp luật.
Bình luận (0)