Chủ động tìm đến các cơ quan chức năng, cơ sở đào tạo tổ chức hội thảo giới thiệu cơ hội việc làm, hợp tác... là những cách của một số nước châu Âu đang nỗ lực thực hiện tại Việt Nam để tìm kiếm nhân lực. Thiếu hụt lao động phổ thông cho đến lao động tay nghề cao đang là trở ngại cho nỗ lực vực dậy nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 của nhiều nước trong khu vực này.
Nhiều ngành, nghề khan hiếm lao động
Mới đây, ông Keijo Norvanto, Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam, đã làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và đưa lao động Việt Nam sang Phần Lan làm việc.
"Trước thách thức già hóa dân số, thiếu lao động, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, Phần Lan rất cần tuyển dụng lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao nguồn lực lao động trẻ, năng động của Việt Nam rất phù hợp với yêu cầu của Phần Lan" - ông Keijo Norvanto khẳng định.
Dự án Hand in Hand for International Talents tìm đến các trường học để tuyển dụng
Ông René Herrmann, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vivantes (Đức), cũng có buổi làm việc với Bộ LĐ-TB-XH để tuyển chọn, đào tạo và đưa điều dưỡng Việt sang Đức làm việc. Đây là đơn vị hợp tác tích cực với Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) đưa gần 1.000 điều dưỡng Việt đang học tập và làm việc tại Đức. Sang Đức sau khi được đào tạo và thi đạt chứng chỉ nghề quốc gia Đức, điều dưỡng Việt được ký hợp đồng làm việc dài hạn tại các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe với mức lương 3.000 Euro/tháng (khoảng 75 triệu đồng). Hiện có gần 600 điều dưỡng Việt đã được ký hợp đồng làm việc dài hạn tại Đức.
Theo ông René Herrmann, Đức không chỉ thiếu lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mà còn đang thiếu nhân lực nhiều ngành nghề khác. Nhu cầu lao động tăng do nền kinh tế Đức đang đẩy mạnh phát triển lĩnh vực số hóa và hướng tới các mục tiêu khí hậu mới.
Làm việc với Bộ LĐ-TB-XH mới đây, ông Juhas Csongor, Tổng Giám đốc Công ty Prohuman (Hungary), cho hay Hungary đang có nhu cầu lớn về tiếp nhận lao động nước ngoài có tay nghề, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu, Hungary đang áp dụng chính sách cấp nhanh visa lao động nước ngoài cho 9 quốc gia và Việt Nam là nước đứng đầu trong danh sách đó. "Sự ưu tiên này chỉ dành cho lao động chăm chỉ học hỏi, hòa nhã và có tính kỷ luật cao như NLĐ Việt Nam. Hiện có khoảng hơn 2.000 lao động Việt Nam đến Hungary làm việc trong thời gian qua, quá ít so với kỳ vọng" - ông Juhas Csongor thông tin.
Thị trường tiềm năng
Ông Nguyễn Gia Liêm, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab; thuộc Bộ LĐ-TB-XH), cho biết hiện Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) về lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp với một số nước khu vực châu Âu như: Đức, Romania, Cộng hòa Czech, Bulgaria… Tùy theo nhu cầu của từng nước, bản MOU sẽ khác nhau dựa trên luật pháp và thỏa thuận.
Châu Âu được xác định là thị trường tiềm năng để đưa NLĐ Việt Nam sang làm việc bởi đây là châu lục có nền kinh tế phát triển, có mức sống, thu nhập cao và ổn định. Theo ông Liêm, ngày càng có nhiều nước châu Âu tìm đến Việt Nam để thúc đẩy hợp tác về lao động, điều này mang lại những cơ hội phát triển sự nghiệp cho NLĐ Việt Nam.
"Nhằm bảo vệ quyền lợi và tránh rủi ro cho NLĐ ra nước ngoài làm việc, việc lựa chọn những công ty môi giới và phái cử lao động uy tín là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng lao động trước khi xuất cảnh cũng được Dolab giám sát chặt chẽ để NLĐ không bị phân biệt đối xử, tránh thiệt thòi" - ông Liêm nhấn mạnh.
Việt Nam đang hợp tác rất hiệu quả với Đức trong việc đào tạo y tá và điều dưỡng viên. Các cơ sở thụ hưởng lao động của Đức cung cấp nguồn lực để phía Việt Nam tuyển chọn, đào tạo trước khi xuất cảnh. Nếu áp dụng mô hình này vào các ngành nghề, của nhiều nước khác thì sự hợp tác sẽ bền vững, cả NLĐ và bên thụ hưởng lao động sẽ có mối quan hệ bền lâu, cùng nhau phát triển.
Hỗ trợ miễn phí lao động có tay nghề
Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức vừa triển khai dự án "Hand in Hand for International Talents". Đây là dự án thí điểm nhằm hỗ trợ miễn phí cho NLĐ Việt Nam đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện - điện tử, nhà hàng - khách sạn và đầu bếp muốn sinh sống và làm việc lâu dài tại Đức. NLĐ tay nghề cao của Việt Nam có cơ hội tiếp cận trực tiếp với người sử dụng lao động, được đào tạo tiếng Đức miễn phí đến trình độ B1... Đây cũng là cơ hội cho NLĐ có một công việc phù hợp chuyên môn với mức thu nhập ổn định và môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Bình luận (0)