Chế độ nghỉ phép luôn là vấn đề được đông đảo người lao động quan tâm.
1. Những quy định nghỉ phép năm
Nội dung về nghỉ phép năm hay còn gọi là nghỉ hằng năm theo BLLĐ năm 2019 về cơ bản vẫn thực hiện như BLLĐ năm 2012.
Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm một lần
Theo quy định tại khoản 1, Điều 113 BLLĐ 2019, người lao động (NLĐ) làm đủ từ 12 tháng cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) thì được nghỉ hằng năm như sau:
- 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
- 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Đồng thời, Điều 114 Bộ luật này còn quy định cứ đủ 5 năm làm việc thì số ngày nghỉ hằng năm của NLĐ sẽ được tăng thêm tương ứng 1 ngày.
Đối với NLĐ chưa làm việc đủ 12 tháng, quy định về thời gian nghỉ phép năm tuy có thay đổi về câu chữ diễn đạt so với BLLĐ năm 2012 nhưng cơ bản không có gì thay đổi về việc xác định ngày nghỉ hằng năm.
Những người này theo quy định tại khoản 2, Điều 113 BLLĐ 2019 có số ngày nghỉ hàng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc (pháp luật hiện hành quy định là "tính theo tỷ lệ tương ứng với thời gian làm việc"). Như vậy, NLĐ làm việc được bao nhiêu tháng sẽ có tương ứng bấy nhiêu ngày nghỉ phép năm.
Bên cạnh đó, NLĐ có thể thỏa thuận với NSDLĐ để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm một lần.
Kế thừa quy định của BLLĐ năm 2012, khoản 6, Điều 113 BLLĐ 2019 cũng quy định khi nghỉ hàng năm, nếu NLĐ có số ngày đi đường (bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy) cả đi và về trên 2 ngày thì từ ngày thứ 3 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 1 lần nghỉ trong năm.
Theo quy định mới, người lao động sẽ không còn được nhận tiền tàu xe và tiền lương những ngày đi đường khi nghỉ phép năm
2. Các trường hợp nghỉ việc riêng
BLLĐ năm 2019 đã quy định các trường hợp NLĐ được nghỉ việc riêng tại Điều 115 Bộ luật này, bao gồm: Kết hôn được nghỉ 3 ngày; Con đẻ, con nuôi kết hôn nghỉ 1 ngày; Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết (sau đây gọi chung là trường hợp cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con chết): nghỉ 3 ngày; Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn: nghỉ 1 ngày. NLĐ có thể thỏa thuận với NSDLĐ về việc nghỉ không lương.
So với BLLĐ năm 2012, luật mới đã thêm một số trường hợp nghỉ phép riêng dành cho NLĐ: Con nuôi kết hôn; cha nuôi, mẹ nuôi chết; cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng chết; con nuôi chết.
3. Nghỉ việc riêng không được trả lương
Theo quy định tại khoản 1, Điều 113 BLLĐ năm 2019, khi nghỉ hằng năm, NLĐ sẽ được hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động.
Bên cạnh đó, khi nghỉ phép năm mà chưa đến kì trả lương, NLĐ được tạm ứng tiền lương cho những ngày chưa nghỉ (theo quy định khoản 5, Điều 113 BLLĐ 2019).
Tiếp tục thực hiện như BLLĐ năm 2012, trong trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì NLĐ được NSDLĐ thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
Đặc biệt, theo quy định mới, NLĐ sẽ không còn được nhận tiền tàu xe và tiền lương những ngày đi đường khi nghỉ phép năm mà BLLĐ năm 2012 đã ghi nhận.
Đối với nghỉ việc riêng, Điều 115 BLLĐ 2019 quy định trong các trường hợp sau đây thì NLĐ vẫn được hưởng nguyên lương: Con kết hôn; Con đẻ, con nuôi kết hôn; Cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con chết.
Ngoài các trường hợp trên, NLĐ khi nghỉ việc riêng sẽ không được hưởng lương.
Do đó, quy định về nghỉ phép từ năm 2021 không có sự thay đổi nhiều so với hiện nay, nhưng NLĐ cũng cần lưu ý đến một vài điểm thay đổi đã được đề cập trong bài viết.
Bình luận (0)