Nghỉ phép hàng năm là quyền lợi của người lao động (NLĐ), nhưng có những trường hợp NLĐ muốn nghỉ phép để về quê, đi chơi, đi du lịch... mà chưa đến ngày nhận lương. Thấu hiểu điều này, Bộ Luật Lao động quy định về việc NLĐ được tạm ứng lương.
Theo quy định của Bộ Luật Lao động 2012 hiện hành, NLĐ có ít nhất 12 ngày nghỉ phép hưởng nguyên lương, nếu đã làm việc cho một người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên.
Đáng chú ý, Bộ luật này cũng chỉ rõ: "Khi nghỉ hằng năm, NLĐ được tạm ứng trước một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ" (khoản 1, điều 113).
Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng trước một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ
Như vậy, hiện nay NLĐ nghỉ phép hàng năm để đi chơi, đi du lịch, về quê… hay giải quyết các nhu cầu cá nhân khác sẽ được ứng trước một khoản tiền lương bằng ít nhất lương của những ngày nghỉ. Đây là một quyền lợi khá thiết thực với NLĐ nhưng ít ai biết.
Ví dụ: Chị A có mức lương 10 triệu đồng/tháng (với 22 ngày công), mức lương mỗi ngày của chị là 454.000 đồng. Khi chị nghỉ 5 ngày phép để đi du lịch, chị được ứng ít nhất:454.000 đồng x 3 = 2.270.000 đồng.
Đặc biệt, tại Bộ Luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021), quyền lợi nêu trên tiếp tục được ghi nhận. Khoản 5, điều 115 của Bộ luật mới quy định: "Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, NLĐ được tạm ứng tiền lương ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ".
Khoản 2, điều 113 của Bộ Luật Lao động 2012 quy định 2 trường hợp NLĐ được thanh toán tiền tàu, xe khi nghỉ phép, gồm: NLĐ miền xuôi làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; NLĐ ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo làm việc ở miền xuôi.
Trong 2 trường hợp nêu trên, NLĐ được người sử dụng lao động thanh toán tiền tàu xe và tiền lương những ngày đi đường.
Quy định này nhằm bảo đảm quyền lợi cho những NLĐ làm việc xa quê, phải mất nhiều thời gian đi lại.
Bình luận (0)