Theo Vụ Thống kê Dân số và Lao động - Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số người có việc làm và thu nhập bình quân của người lao động (NLĐ) trong quý IV/2022 tiếp tục tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Tuyển dụng tăng
Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát tăng cao, nhiều doanh nghiệp (DN) bị cắt giảm đơn hàng, nhất là ở các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử vào thời điểm cuối năm khiến cho đà phục hồi của thị trường lao động đang có xu hướng chậm lại.
Cụ thể, số người thiếu việc làm quý IV/2022 là khoảng 898.200 người, tăng 26.500 người so với quý trước và giảm 566.000 người so với cùng kỳ năm trước. "Tình hình thiếu việc làm của NLĐ giảm so với cùng kỳ năm 2021 là do dịch COVID-19 đã được kiểm soát nhưng DN vẫn chịu ảnh hưởng chung của kinh tế thế giới. Thông thường, quý IV là thời điểm các DN có nhiều đơn hàng sản xuất phục vụ lễ, Tết nên tỉ lệ thiếu việc làm thấp nhất trong năm nhưng năm 2022 lại khác" - ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, thông tin.
Giữ vững việc làm cho người lao động là nhiệm vụ trọng tâm của ngành lao động - thương binh và xã hội trong năm 2023
Trong khi đó, nhiều DN đang nỗ lực để duy trì việc làm cho NLĐ bởi sau Tết thường tuyển dụng gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty CP Dệt may và Đầu tư thương mại Thành Công (quận Tân Phú, TP HCM), cho biết lượng đơn hàng cuối năm 2022 giảm khoảng 15%-20% nhưng công ty vẫn không cắt giảm lao động. Công ty chấp nhận những đơn hàng giá gia công thấp, thậm chí lỗ để giữ khách hàng và việc làm cho NLĐ. "Thời điểm đầu năm, việc tuyển dụng lao động thường rất khó khăn. Bởi gần đây lao động có xu hướng chuyển dịch từ TP HCM về các tỉnh lân cận và có việc làm mới" - ông Tuấn nói.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), ngay những ngày đầu năm 2023, thị trường lao động Việt Nam đón nhận nhiều tín hiệu khả quan, đời sống của NLĐ được bảo đảm, thu nhập bình quân tăng 14,5%, thưởng Tết cũng tăng 11%. Ông Nguyễn Duy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết số lao động mất việc làm cuối năm 2022 vào khoảng 54.000 nhưng tổng hợp từ các DN, trong quý IV/2022 và đầu quý I/2023, nhu cầu tuyển dụng lên đến 377.000 lao động. Như vậy, số tuyển dụng cao gấp nhiều lần số người bị mất việc. Có được kết quả này là do sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Bộ LĐ-TB-XH và các địa phương đã làm tốt công tác giới thiệu việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, hướng nghiệp cho NLĐ.
Tạo việc làm bền vững
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi) vừa công bố báo cáo thị trường lao động năm 2022, dự báo nhu cầu nhân lực năm 2023. Theo đó, dự kiến trong năm nay, TP HCM cần khoảng 280.000 - 320.000 lao động. Trong đó, nhu cầu nhân lực quý I/2023, thành phố cần hơn 80.000 lao động.
Theo ông Đinh Thanh Vân, Phó Giám đốc Falmi, sở dĩ con số dự báo có dao động lớn là do nghiên cứu của Falmi đưa ra dựa trên kịch bản biến động của tình hình kinh tế thế giới và sự phát triển của thành phố. Nếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một số nền kinh tế lớn có chiều hướng chậm lại, dẫn đến xuất khẩu giảm thì nhu cầu lao động của thành phố chỉ khoảng 280.000 - 300.000 lao động. "Nhưng tăng trưởng kinh tế toàn cầu diễn biến theo chiều hướng tích cực, các DN tại TP HCM mở rộng sản xuất, nhu cầu lao động tăng ở mức 300.000 - 320.000 người" - ông Vân phân tích.
Nhằm xây dựng và phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập phục hồi nhanh kinh tế - xã hội, ngày 10-1-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06. Nghị quyết nêu rõ thị trường lao động nước ta phát triển chưa đủ mạnh để giải phóng mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, chưa tạo được nhiều việc làm theo hướng bền vững, mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng, khu vực, ngành nghề và nhân lực chất lượng chưa cao.
Nghị quyết nhấn mạnh thời gian qua dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm cho thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề, gần 2 triệu lao động rời khỏi thị trường lao động. Bên cạnh đó, giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới, kỹ năng mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế cũng như gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với DN, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam...
Do vậy, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan và địa phương triển khai những giải pháp đột phá về phát triển nguồn nhân lực, đầu tư mạnh mẽ vào con người. Thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động. Phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hỗ trợ phát triển thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực.
Hoàn thiện hệ thống quản trị
Ông Phạm Anh Thắng, Phó chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB-XH, cho hay thời gian tới, ngành LĐ-TB-XH tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động phù hợp, từng bước hiện đại, minh bạch, có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, việc làm, an sinh xã hội để phát triển bền vững thị trường lao động.
Bình luận (0)