Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), việc làm bền vững và thỏa đáng là khát vọng của người lao động (NLĐ) trong suốt quá trình làm việc. Việc làm bền vững và thỏa đáng mang đến thu nhập ổn định, được bảo đảm an toàn tại nơi làm việc, gắn với an sinh xã hội cho họ và gia đình. Đây cũng là mong đợi của các doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh thị trường lao động đang thay đổi mạnh mẽ.
Tạo cơ hội thăng tiến
Là DN nhiều năm liền rất ít biến động về nhân sự, kể cả giai đoạn dịch COVID-19 diễn ra, Công ty CP Sài Gòn Food (SGF; quận Phú Nhuận, TP HCM) đã chứng minh ở đâu NLĐ được quan tâm, chăm sóc đúng mức, ở đó có sự ổn định và phát triển bền vững.
Bà Trần Thị Kiều Oanh, Giám đốc nhân sự SGF, cho biết DN có trên 2.000 nhân sự và được xem là chỗ dựa vững chắc của công ty. Một công nhân lành nghề, có ý chí vươn lên sẽ được tạo điều kiện để làm quản lý sản xuất. DN cũng tiên phong thực hiện chương trình "học kỳ DN" để thu hút sinh viên các chuyên ngành liên quan đến thực tập, làm quen với môi trường làm việc. Trong quá trình thực tập, sinh viên đáp ứng yêu cầu sẽ được tuyển dụng làm việc chính thức. Ngoài ra, SGF cũng thường xuyên mời giảng viên đến tận công ty đào tạo, nâng cao tay nghề, trình độ cho NLĐ. Theo bà Oanh, cốt lõi để giữ vững đội ngũ nhân sự chính là sự hài lòng của NLĐ trong quá trình làm việc, khi họ có cơ hội phát triển, môi trường minh bạch, thân thiện và cởi mở. "Hằng năm, chúng tôi tạo ra hàng loạt sân chơi để NLĐ thêm gắn bó, hiểu nhau thông qua những hoạt động về thể chất, trí tuệ, giải trí gắn liền với công việc và gắn kết gia đình. Từ đó, NLĐ cảm thấy nhà máy là nhà, nơi cả gia đình họ có thể tìm được niềm vui" - bà Oanh nói.
Công ty TNHH MTV V.N.T Việt Nam (huyện Củ Chi, TP HCM) có cách thu hút và giữ chân nhân sự khá hiệu quả. Với đặc thù là DN hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chính xác, công ty có quy trình sàng lọc rất kỹ khâu tuyển dụng để chọn ra những người phù hợp. Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Giám đốc công ty, tay nghề có thể đào tạo nhưng tính cách thì khó hơn. Vì vậy, trong khâu tuyển dụng, công ty đặt song song cả chuyên môn lẫn tính cách để quyết định chọn nhân sự. Các bài kiểm tra về năng lực thực hành, tính cách cá nhân được làm cẩn thận để tìm những người có chỉ số tốt nhất. "Nhờ vậy chúng tôi có được đội ngũ nhân sự tuy không nhiều nhưng họ rất trách nhiệm trong công việc nên năng suất làm việc rất cao. Thành quả thì chúng tôi san sẻ cùng nhau, do đó ai cũng nỗ lực hết mình cho công ty" - ông Hiếu tự hào.
Người lao động có xu hướng gắn bó và tích cực làm việc hơn khi được doanh nghiệp quan tâm về sức khỏe tinh thần
Ưu tiên phúc lợi
Bà Phạm Thị Hoài Linh, Giám đốc nhân sự của Navigos Group Việt Nam, cho rằng sau dịch COVID-19, xu hướng tìm việc và tuyển dụng đã thay đổi rất nhiều so với trước. DN nào thấu hiểu được NLĐ sẽ giữ chân họ thành công và thuận lợi trong tuyển dụng. Ngược lại, nhiều DN chậm thay đổi sẽ đối diện với tình trạng hao hụt nhân lực. Do vậy, thay đổi chính là điều mà các DN cần làm để thu hút và giữ chân NLĐ trong bối cảnh thị trường lao động đang phục hồi mạnh mẽ.
Khảo sát mới đây của Navigos Group cho thấy có 56% DN chọn giải pháp là tăng lương để giữ chân NLĐ. Trong đó, có nhiều DN hỗ trợ chi phí học tập, đào tạo kỹ năng mới, chăm sóc sức khỏe - bảo hiểm, linh động về thời gian và địa điểm làm việc…
Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy 67% NLĐ cho rằng vấn đề "chất lượng công việc và cuộc sống" là rất quan trọng. Tiêu chí "chương trình chăm sóc sức khỏe và thể chất tốt" được 70% NLĐ đánh giá là quan trọng. "Lương, thưởng và phúc lợi đúng trọng tâm là những cơ sở để giữ chân NLĐ, bởi NLĐ đã có cái nhìn khác sau khi có sự xuất hiện của dịch bệnh. Khoản phúc lợi BHYT và khám sức khỏe định kỳ là điều đương nhiên tại mọi DN" - bà Linh nhấn mạnh.
Ngoài ra, những lợi ích khác cũng cần được xem trọng như tiêm vắc-xin phòng một số bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế và tầm soát sức khỏe toàn bộ cán bộ, nhân viên. Khi NLĐ được quan tâm và chăm sóc sức khỏe, họ có khuynh hướng gắn bó lâu dài và hăng say làm việc hơn.
Đồng quan điểm, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM, cho rằng ngoài chăm lo sức khỏe tinh thần, thể chất, DN cần cân bằng công việc và cuộc sống của NLĐ để có những tính toán về thời gian, khối lượng công việc hợp lý. DN nên lấy NLĐ làm trung tâm, lắng nghe san sẻ từ họ và từ tổ chức Công đoàn để có một quy trình làm việc minh bạch và thấu hiểu nhau. "Sau khi dịch bệnh được khống chế, NLĐ đặt vấn đề sức khỏe và cân bằng cuộc sống lên hàng đầu khi quyết định tìm việc. Vì vậy, DN cần điều chỉnh từ môi trường làm việc, mối quan hệ trong công việc cho đến các chế độ phúc lợi nếu muốn NLĐ gắn bó dài lâu" - ông Tuấn nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-10
Bình luận (0)