"Tập thể lao động tại công ty tôi đang rất bức xúc về chính sách giảm tỉ lệ hưởng lương hưu của lao động nữ từ ngày 1-1-2018 theo điều 56 Luật BHXH. Vấn đề này đã được nhiều cơ quan, ban, ngành kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi nhưng đến nay vẫn không thấy động tĩnh gì. Người lao động (NLĐ) đang nóng lòng chờ quyết định cuối cùng của Quốc hội". Đây là ý kiến của ông Nguyễn Văn Chức, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon), tại buổi gặp gỡ lãnh đạo quận Tân Phú, TP HCM mới đây.
Bất an với chính sách BHXH
Theo ông Chức, việc giảm tỉ lệ lương hưu đối với lao động nữ không chỉ gây bức xúc cho NLĐ mà còn gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN). "Năm qua, tình hình sản xuất - kinh doanh tại Vifon rất bất ổn khi phải đối mặt sự biến động lao động rất lớn do NLĐ xin nghỉ việc để chạy nghỉ hưu trước tuổi" - ông cho biết.
Không chỉ bức xúc trước quy định mới của Luật BHXH về lương hưu của lao động nữ, trong buổi gặp gỡ lãnh đạo huyện Củ Chi, TP HCM vừa qua, bà Trần Ngọc Thanh - Chủ tịch CĐ Văn phòng UBND xã Trung An, huyện Củ Chi - còn bày tỏ không đồng tình với quy định cán bộ xã, phường, thị trấn không chuyên trách đóng BHXH bắt buộc nhưng chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất.
Ông Nguyễn Văn Chức, Chủ tịch Công đoàn Công ty Vifon, chuyển tải tâm tư của người lao động đến lãnh đạo quận Tân Phú, TP HCM
"Tại sao cùng tham gia BHXH bắt buộc nhưng họ phải chịu thiệt thòi hơn những đối tượng khác? Thực tế, khối lượng công việc của cán bộ không chuyên trách không hề kém những người chuyên trách nhưng thu nhập lại thấp hơn. Thêm vào đó, khi sinh con, họ không được hưởng chế độ thai sản; ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp không được hưởng chế độ khiến NLĐ đã thiệt lại càng thiệt thòi hơn" - bà Thanh phân tích.
Bà Tô Thị Nhung - Chủ tịch CĐ Văn phòng UBND xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi - lại băn khoăn về việc giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho đối tượng cán bộ xã, phường không chuyên trách. Bà Nhung cho biết từ ngày 1-1-2016, cán bộ không chuyên trách cấp xã, phường không còn thuộc đối tượng tham gia BHTN. Theo giải thích của cơ quan BHXH thì thời gian đóng BHTN từ năm 2009-2015 sẽ được cộng dồn để tính hưởng nếu sau này tiếp tục tham gia. "Tuy nhiên, cơ quan tôi có một số chị nghỉ việc đã trên 50 tuổi, không thể tìm được việc làm để tiếp tục tham gia BHTN. Vậy chế độ của họ giải quyết thế nào hay mất trắng?" - bà Nhung đặt vấn đề.
Mong con công nhân không thất học
Tại buổi gặp gỡ lãnh đạo huyện Củ Chi, ông Mai Thanh Tuấn, Chủ tịch CĐ Cơ sở Văn Kim, đã làm cả hội trường nóng lên khi đề cập chỗ gửi trẻ và trường học cho con CNVC-LĐ. Theo ông, cứ vào đầu mỗi năm học là tình hình sản xuất của cơ sở lại bị đình trệ. Lý do là hàng chục CN xin nghỉ việc cùng lúc để chạy chỗ học cho con. Trước tình hình đó, giám đốc công ty đã yêu cầu CĐ phải đứng ra lo chuyện trường lớp thay cho CN.
"Khi nhận công việc này, tôi mới biết CN gặp khó khăn biết bao. Khi tôi đến một trường mầm non xin cho con CN nhập học, họ yêu cầu phải có KT3. Liên hệ với công an khu vực để xin KT3 thì bị từ chối, tôi đành phải chạy ra UBND xã xin xác nhận tạm trú. Có xác nhận tạm trú rồi thì chỉ được trường giải quyết theo kiểu xin 2 nhận 1. Ở cơ sở chúng tôi, khoảng 20% CN không biết chữ, hầu hết là lao động nhập cư. Nếu thủ tục xin nhập học tiếp tục khó khăn như vậy sẽ dễ gây nản lòng cho NLĐ, từ đó khiến con em họ có khả năng rơi vào cảnh thất học như cha mẹ"- ông Tuấn lo lắng.
Ngoài những rắc rối về thủ tục nhập học, những lo lắng của NLĐ trong việc tìm nơi giữ trẻ từ 6-36 tháng tuổi, giữ trẻ ngoài giờ hoặc chỗ học bán trú cho con CNVC-LĐ cũng được các cán bộ CĐ phản ánh đến lãnh đạo. Theo ông Hồ Hải, Chủ tịch CĐ Công ty Clover Việt Nam, nhiều CN phải nghỉ làm để ở nhà trông con do không tìm được nơi nhận trông trẻ dưới 36 tháng tuổi.
"Trước đây, đa số CN tìm đến các cơ sở giữ trẻ dân lập, tư thục để gửi con. Song, gần đây, các cơ sở này đã bị cơ quan chức năng đóng cửa vì không đạt yêu cầu khiến con CN mất chỗ học. Tôi cho rằng việc đóng cửa các cơ sở yếu kém chỉ giải quyết được phần ngọn, không phải phần gốc. Vấn đề là làm sao để con CNVC-LĐ có đủ chỗ học, được chăm sóc tốt, được bảo đảm an toàn về sức khỏe, tinh thần để NLĐ an tâm làm việc" - ông Hải mong mỏi.
Đau đáu chờ nhà ở xã hội
Nhà ở xã hội cũng là một vấn đề được NLĐ quan tâm. Ông Nguyễn Tấn Kiệt, Chủ tịch CĐ Trường THCS Đồng Khởi (quận Tân Phú), bày tỏ: "Từ khi nghe tin TP triển khai chương trình nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, chúng tôi rất phấn khởi. Thế nhưng, rất ít giáo viên được hưởng chính sách này do giá nhà cao và lượng bán ra hạn chế".
Đồng tình với ý kiến trên, bà Võ Thị Hồng Phượng, Phó Chủ tịch CĐ Trường THCS Lê Anh Xuân (quận Tân Phú), cho biết khoảng 80% giáo viên của trường đang ở nhà thuê và có hoàn cảnh khó khăn nên rất trông chờ vào chương trình mua nhà ở xã hội để có nơi ở ổn định, an tâm công tác nhưng đến nay, đó vẫn chỉ là ngôi nhà trong mơ.
Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, thời gian qua, chương trình xây nhà ở đã được quận triển khai song vấp phải nhiều khó khăn. Theo đó, quỹ đất phải ưu tiên để xây dựng trường học và các công trình công cộng nên còn khá hạn chế. Mặt khác, khi mời gọi các nhà đầu tư, ban đầu họ rất mặn mà nhưng sau đó rút lui vì tính toán thấy không có lời. "Dù vậy, sắp tới, quận sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình này để giải quyết nhu cầu nhà ở của NLĐ nghèo" - ông Phúc nói.
Bình luận (0)