"Tôi ký hợp đồng thử việc thời hạn 2 tháng với công ty. Hết hạn, công ty tiếp tục ký hợp đồng thử việc lần 2 thời hạn 3 tháng với cùng vị trí công việc. Tuy nhiên, vào tháng 1-2018, khi tôi làm được 2 tháng thì bị công ty cho nghỉ với lý do là không hoàn thành công việc được giao. Vừa qua, tôi mới biết hành vi của công ty là vi phạm pháp luật lao động nên gửi đơn khiếu nại đến phòng lao động - thương binh và xã hội quận. Tuy nhiên, cơ quan này nói đã hết thời hạn hòa giải và cho biết muốn đòi bồi thường thì phải kiện ra tòa. Xin hỏi thời hạn hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là bao lâu? Nếu không có biên bản hòa giải thì tòa có thụ lý hồ sơ của tôi không?".
Ảnh minh họa
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, trả lời: Theo quy định của Bộ Luật Lao động, thời gian thử việc của người lao động căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc. Sau thời gian thử việc, nếu đạt yêu cầu thì công ty phải ký hợp đồng với người lao động.
Ở trường hợp trên, việc công ty không ký hợp đồng lao động mà ký hợp đồng thử việc lần 2 và đột ngột cho anh Văn nghỉ việc nhưng không báo trước là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Theo quy định, anh Văn có thể khởi kiện trực tiếp ra tòa mà không cần thông qua bước hòa giải tại phòng lao động - thương binh và xã hội quận.
Mặt khác, thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 6 tháng, kể từ ngày phát hiện hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Như vậy, trường hợp của anh Văn cũng đã quá thời hiệu để đề nghị hòa giải viên lao động hòa giải tranh chấp.
Bình luận (0)