Cho rằng anh Trần Ngọc Sơn, nhân viên bảo trì, không tuân thủ quy trình khi kéo dây điện, vào công ty khi có men bia, Công ty TNHH C.P.P (quận 9, TP HCM) đã kỷ luật cách chức, bố trí công việc mới vào ngày 12-6-2014. Tuy quyết định kỷ luật không đề cập việc cắt thưởng Tết năm 2013 hay việc nâng lương theo định kỳ nhưng các chế độ này của anh Sơn cũng bị tước bỏ. “So với những năm trước, năm 2013, tôi làm việc vất vả hơn rất nhiều. Cả năm, tôi phải thường xuyên làm việc từ 8 - 20 giờ; thứ bảy, chủ nhật cũng không được nghỉ. Những tưởng công sức bỏ ra sẽ được đền bù xứng đáng, không ngờ họ lừa tôi” - anh Sơn bức xúc.
“Bẫy” người lao động
Sau khi bị cho là vi phạm kỷ luật, từ ngày 16-1-2014, anh Sơn bị công ty “cấm cửa” không cho vào làm việc nhưng chỉ được thông báo miệng. Đến ngày 13-3-2014, anh được ông Nguyễn Minh Tâm, trưởng phòng nhân sự, mời lên nhận quyết định tạm đình chỉ công việc trong 90 ngày kể từ ngày 17-3-2014, đồng thời “khuyên” anh nên suy nghĩ đến việc làm đơn xin thôi việc để được hưởng chế độ và bồi thường 2 tháng lương. Anh Sơn không đồng ý mà yêu cầu tổ chức cuộc họp hội đồng kỷ luật. Thế nhưng, ngày 13-6-2014, anh Sơn nhận được quyết định kỷ luật dù chưa hề có cuộc họp hội đồng kỷ luật nào được tổ chức. Bức xúc, anh Sơn phản ứng thì ông Tâm động viên: “Quyết định kỷ luật này chỉ là hình thức mà cả hai bên cùng thắng. Anh chỉ bị chuyển công tác, còn lương và thưởng Tết vẫn được giữ nguyên”. Tin tưởng ông Tâm và muốn cho êm chuyện, anh Sơn đồng ý nhận quyết định và nhận công việc mới vào ngày 2-7-2014.
Tuy nhiên sau đó, trong khi các đồng nghiệp được nhận thưởng Tết và được tăng lương thì anh Sơn lại bị gạt ra rìa. Anh thắc mắc thì ông Tâm trả lời: “Tiền thưởng không phải là yếu tố ràng buộc bởi Luật Lao động, công ty có quyền chi trả hay không...”. Về việc không nâng lương định kỳ, bà Lê Thị Hoàng Quyên, giám đốc nhân sự, giải thích: “Công ty nâng lương vào tháng 4 hằng năm. Thời điểm đó, anh Sơn đang bị xử lý kỷ luật; hơn nữa, mức lương hiện tại của anh đã cao hơn mức lương của nhân viên làm việc tương tự nên không được xét nâng lương”.
Thực tế không phải như vậy. “Tháng 6, tôi mới bị điều chuyển sang công việc mới nhưng từ tháng 4, công ty đã không xét nâng lương cho tôi là không hợp lý. Công ty nói như vậy thì e rằng tôi chẳng những không được lên lương năm nay mà những năm sau nữa cũng chẳng mong gì được lên bởi công việc hiện tại của tôi chỉ được xếp lương bậc 3 trong khi trước đó tôi đã ở bậc 6” - anh Sơn thất vọng.
“Đẻ” thêm tiêu chuẩn đánh giá!
Không vi phạm kỷ luật công ty, cũng chưa lần nào bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ nhưng trong đợt điều chỉnh lương định kỳ hằng năm vào tháng 5- 2014, anh Nguyễn Văn Hiền, giám sát quầy thuê và một số nhân viên Công ty TNHH L.T (quận 7, TP HCM), bị cắt giảm lương từ 5%-10%. Anh Hiền cho biết việc điều chỉnh lương hằng năm căn cứ vào đánh giá xếp loại ABC. Nếu như các năm trước, chỉ có 3 bậc đánh giá từ A đến C và không bị giảm lương thì năm nay có đến 5 bậc, từ A đến E. Nếu bị xếp loại D và E thì sẽ bị giảm lương tương ứng từ 5%-10%.
Điều anh Hiền bức xúc là ban đầu, anh được xếp loại B nhưng sau đó, công ty yêu cầu đánh giá lại, ép phải hạ mức đánh giá của toàn bộ nhân viên nên anh bị xếp loại C. Thế nhưng, không hiểu vì sao kết quả cuối cùng công ty công bố anh xếp loại E, bị giảm lương 10%. “Khi tôi thắc mắc thì công ty chỉ trả lời là do một hội đồng đánh giá, xếp loại dựa trên hiệu quả công việc. Nhưng hội đồng đánh giá gồm những ai, dựa vào tiêu chí nào để đánh giá thì nhân viên hoàn toàn không biết” - anh Hiền bức xúc.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Nga, trưởng phòng nhân sự, thừa nhận tiêu chí đánh giá, xếp loại của công ty mới hoàn thiện; hơn nữa, do nhân viên làm việc rải rác nhiều nơi nên công ty chưa kịp thông báo rộng rãi. Bà Nga cũng khẳng định việc xếp loại E đối với anh Hiền là chính xác vì anh thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, bà Nga không trưng ra được biên bản nào về việc không hoàn thành nhiệm vụ của anh Hiền.
Làm xói mòn niềm tin người lao động
Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và cộng sự, cho rằng các chế độ phụ cấp, trợ cấp, nâng bậc, nâng lương và các chế độ khuyến khích đối với người lao động phải được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước tập thể hoặc quy chế của doanh nghiệp và phải công khai cho tất cả người lao động biết. Nếu doanh nghiệp tùy tiện áp đặt các quy định sẽ gây bức xúc, làm xói mòn niềm tin và lòng trung thành của người lao động, làm giảm sút năng lực làm việc và tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp.
Bình luận (0)