"Trong số hơn 50 triệu người ở độ tuổi lao động, có trên 50% làm việc thuộc lĩnh vực phi chính thức, không nằm trong khu vực làm công ăn lương, tự hoạt động tạo ra thu nhập. Đây là con số đáng suy nghĩ với các doanh nghiệp (DN) trong các vấn đề ưu đãi phúc lợi để giữ chân người lao động (NLĐ)" - ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) - cho biết.
Loay hoay tuyển lao động
Báo cáo từ khảo sát của Cục Việc làm cho thấy năm 2019, với nhịp tăng trưởng kinh tế dự kiến, các DN ở tất cả các tỉnh, thành cần 10 triệu lao động phục vụ sản xuất. Nhu cầu lao động tăng đều ở tất cả các DN, ngay cả DN vừa và nhỏ cũng sẽ tăng từ 30%-40%.
Tại TP HCM, các KCX-KCN tuyển dụng thường xuyên lao động phổ thông, phỏng vấn liên tục mỗi ngày. Theo Ban Quản lý các KCX-KCN TP, tỉ lệ biến động lao động thường xuyên ở mức từ 20.000-25.000 người. Bất kể các DN đều dùng nhiều biện pháp để thu hút, lôi kéo lao động, lượng lao động cần thiết cho việc duy trì sản xuất đã khó khăn, chưa nói đến mở rộng sản xuất. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, cho biết những tháng đầu năm 2019, nhu cầu tuyển dụng chung tại TP là khoảng 30.000 người, trong đó 40% là lao động phổ thông và sơ cấp nghề. Tỉ lệ dịch chuyển lao động khoảng 10%, tập trung trong các lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, thương mại, dịch vụ, phục vụ và lao động phổ thông trong các DN dệt may, da giày, nhà hàng, khách sạn, bảo vệ… "Nhiều DN có nhu cầu tuyển dụng một lượng lớn lao động để tập trung cho sản xuất năm 2019, nhất là bù vào các đơn hàng sản xuất - kinh doanh trong quý I do nghỉ Tết nguyên đán, nên việc thiếu hụt lao động bao gồm nhu cầu tuyển mới và NLĐ chuyển dịch tìm việc làm phù hợp rất lớn" - ông Tuấn thông tin.
Với các DN vừa và nhỏ, chuyện "ăn đong" lao động vào các đợt cao điểm sản xuất là thường ngày. Ông Phạm Văn Tuân, chủ một DN chuyên sản xuất và thi công nội thất (quận Thủ Đức, TP HCM), nói: "Công ty tuyển cả nam lẫn nữ, nhiều khi tuyển dụng cùng lúc vợ chồng, anh chị em vào làm việc, hỗ trợ tiền nhà trọ, lúc không có đơn hàng vẫn được trả lương đầy đủ. Ai rủ thêm được một lao động về công ty thì cả hai nếu làm việc đủ 2 tháng sẽ được thưởng thêm mỗi người 3 triệu đồng. Dù đãi ngộ là vậy, công ty vẫn không kiếm đủ người làm, thường xuyên phải hỏi mượn hoặc nhờ vả anh em nhàn rỗi ở quê làm tạm một thời gian vào những lúc cao điểm" - anh Tuân cho biết.
Công nhân kỹ thuật cao tại Công ty TNHH Fuji Impluse (KCX Linh Trung II; quận Thủ Đức, TP HCM). Ảnh: HỒNG ĐÀO
Lao động trẻ không thích gò bó
Thời gian gần đây, việc tìm kiếm cơ hội làm tại công ty, xí nghiệp không còn hấp dẫn lao động trẻ. Thay vào đó, họ hào hứng ứng dụng các công nghệ mới để tạo thu nhập vì ưu điểm dễ làm, thoải mái về thời gian và thu nhập cũng không thua kém làm công ăn lương.
Từ Bình Định vào TP HCM ở trọ, sau thời gian học nghề điện, anh Trần Quốc Việt bắt đầu đi làm tại KCN Long Hậu (tỉnh Long An). Một thời gian sau, anh Việt chuyển sang làm tự do. Việt lý giải: "Làm nhà máy, công trình có lương ổn định nhưng giờ giấc bị bó buộc quá. Nhiều khi phải tăng ca đến tận nửa đêm, cuộc sống lặp lại nhàm chán nên tôi bỏ. Giờ vừa đi giao hàng cho một ứng dụng công nghệ vừa tranh thủ học thêm đồ họa sau này có thể nhận bản vẽ về nhà tự làm, hào hứng hơn nhiều".
Ở cùng phòng trọ với anh Việt, anh Trần Thanh Nhàn từ Lâm Đồng xuống TP HCM đi học và làm việc. Sau 2 năm làm công ty, anh Nhàn xin nghỉ và rủ nhóm bạn kinh doanh qua mạng. Hằng ngày, cả nhóm quây quần tại nhà trọ, mỗi người ôm một laptop khảo sát các mẫu họa tiết áo thun đang được ưa chuộng trên thị trường rồi cùng nhau thiết kế. Phân công cụ thể, người lo bán hàng, thanh toán, người lo thiết kế họa tiết, người lên các diễn đàn nắm bắt, tổng hợp thị hiếu theo từng mùa, từng tháng, từng sự kiện "hot"… rồi từ đó thiết kế các sản phẩm, đưa lên các trang mạng để chào bán.
"Cũng không cần phải trình độ cao lắm, quan trọng là nắm bắt người ta đang thích cái gì. Các trang mạng chuyên giao dịch sản phẩm này bảo đảm bản quyền và việc thanh toán. Nếu khách trong nước có nhu cầu thì nhóm đặt hàng các cơ sở gia công, rất đơn giản. Tính ra bình quân mỗi người trong nhóm cũng kiếm được khoảng 10 triệu đồng/tháng. So với làm công ăn lương thì giờ giấc thoải mái hơn nhiều" - anh Nhàn cho biết.
Bà NGUYỄN ĐINH HOÀNG YẾN, Giám đốc truyền thông Manpower Group Việt Nam:
Nâng cao phúc lợi
Ở các đô thị lớn, việc thiếu hụt nhân lực diễn ra thường xuyên. NLĐ hiện nay lại có tâm lý lựa chọn những công việc có mức thu nhập cao và ngắn hạn chứ không trông chờ vào sự ổn định với các khoản thưởng cuối năm. Tâm lý ngại ràng buộc dẫn đến việc NLĐ không thích làm việc tại các DN. Do vậy, nhiều người chọn loại hình khoán việc để linh hoạt thời gian và có thể làm nhiều việc khác nhau. Về nguyên tắc cung - cầu của thị trường, để thu hút lực lượng lao động này, các DN cần thay đổi cung cách quản lý, tuyển dụng lao động theo hướng tăng ưu đãi, phúc lợi nhiều mặt cho NLĐ.
Bình luận (0)