Việt Nam nằm trong số các quốc gia hàng đầu về dịch vụ gia công phần mềm nhưng trình độ tay nghề còn thấp. Chỉ số nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ hơn Campuchia, thua xa so với các nước khu vực. Điều này đặt ra nhiều thách thức để nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN) và nhân lực công nghệ thông tin (IT) trong nước.
Nhiều hạn chế về kỹ năng
Gắn bó gần 10 năm, anh Lê Văn Lâm (33 tuổi, quê Nghệ An) tự nhận thấy ngành IT đang khó khăn. Niềm tin này càng được củng cố khi gần đây, thông tin một số DN lớn trong ngành liên tục cắt giảm nhân sự, thậm chí có công ty cho nghỉ gần 1.000 người. "Dù công việc vẫn ổn định nhưng tôi không khỏi e dè khả năng bị đào thải trong tương lai. Bởi nhiều DN ngành IT đang cho nhân viên nghỉ việc, giảm lương hoặc tạm dừng việc" - anh Lâm nói.
Hiện Việt Nam có khoảng 530.000 lao động làm việc trong các ngành liên quan đến IT. Dù vậy, thị trường đang thiếu 150.000 lập trình viên, kỹ sư IT. Dự báo tới năm 2025, con số này sẽ là 200.000 người. Tuy nhiên, mấu chốt nằm ở chất lượng nhân lực IT Việt thấp, vì thế thị trường lao động IT dù đang thiếu nhưng vẫn thừa.
Theo báo cáo nhân tài IT 2023 của TopDev, trình độ tay nghề IT Việt xếp cuối khu vực và đứng thứ 47/60 toàn cầu. Chỉ 5% lực lượng lao động ngành này thành thạo tiếng Anh. Lao động tay nghề cao chiếm hơn 11%, gần như không thay đổi so với 3 năm trước.
Sinh viên Trường ĐH Công nghệ Thông tin - ĐHQG TP HCM tìm cơ hội việc làm tại ngày hội tuyển dụng
Bên cạnh đó, một điểm yếu nữa của nhân lực IT Việt Nam là khả năng giao tiếp, phản biện. Ông Nguyễn Huy Kỳ Trung, nhà sáng lập Recruitland.co - mạng lưới kết nối tuyển dụng nhân sự tự do, kể từng có một start-up (khởi nghiệp) ở nước ngoài về Việt Nam khảo sát để mở văn phòng nhưng cuối cùng lại chọn Philippines và Hồng Kông (Trung Quốc).
Lý do đưa ra là vì người lao động 2 nước này giao tiếp tốt hơn người Việt. Tương tự, có đối tác nước ngoài dù tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam nhưng vẫn ưu tiên nước khác do họ nổi trội về kỹ năng giao tiếp, trao đổi thông tin. "Qua đó, cho thấy lao động Việt Nam còn thiếu nhiều kỹ năng, chưa mạnh dạn nêu ý kiến, phản biện vì ngại giao tiếp bằng ngoại ngữ" - ông Trung nhận xét.
Hiện Việt Nam là một trong những điểm đến hàng đầu về dịch vụ gia công phần mềm của các nước. Theo ông Trung, điều đó cũng sẽ khiến DN ngành IT trong nước phụ thuộc nhiều vào dự án nước ngoài. Khi hết dự án hay khách hàng chuyển hướng sang nước khác, nguồn việc cạn, dẫn tới cắt giảm nhân sự, thu hẹp quy mô.
Tận dụng cơ hội học hỏi
Phân tích về thách thức ngành IT Việt Nam đang phải đối mặt, bà Trần Thị Thu Trang, quản lý cấp cao tại một tập đoàn công nghệ (quận 7, TP HCM), cho rằng nếu không tận dụng cơ hội học hỏi để tạo ra sản phẩm cho riêng mình thì người Việt sẽ mãi làm gia công cho người khác. Dẫn chứng như Ấn Độ đã nâng cấp từ làm gia công sang vị trí tư vấn thiết kế, chuyển dịch gia công phần mềm về Đông Nam Á. Bà Trang nói làm gia công chẳng khác gì làm thợ, chỉ biết đến công đoạn của mình, thậm chí không biết làm cho ai, tổng thể là gì.
Thống kê cho thấy tỉ lệ nhân lực R&D (nghiên cứu và phát triển) chỉ đạt 1,5/1.000 người. Theo bà Trang, con số này quá thấp. Nhiều nhân sự trong ngành đang thiếu một định hướng rõ ràng, không có người dẫn dắt. Họ chuyên chú đi tìm ngôn ngữ lập trình để học, trong khi đó chỉ là một phương tiện.
Muốn nâng cao trình độ chuyên môn, ngoài nghiên cứu công nghệ, người lao động còn cần đào sâu kiến thức từng ngành. "Chẳng hạn, nếu làm ứng dụng cho ngân hàng sẽ khác với bệnh viện. Nhân sự IT phải là bác sĩ trong hệ thống IT của tổ chức, chứ không chỉ làm kỹ thuật viên hoặc điều dưỡng" - bà Trang ví von.
Nhiều ý kiến đồng tình đây là thời điểm thị trường lao động sàng lọc và trở về giá trị thực, DN nên tận dụng giai đoạn này để đào tạo đội ngũ, cập nhật kiến thức cho người lao động. "Với ứng viên, cần nâng cao khả năng ứng biến và thích nghi, nhất là những nhân sự rơi vào danh sách cắt giảm. Trước đây, khi thị trường cung không đủ cầu, nên mức lương được nâng cao so với năng lực thực có" - ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Giám đốc tuyển dụng toàn quốc Adecco Việt Nam, nhấn mạnh.
Trong tương lai gần, nhân sự IT Việt Nam sẽ không còn lợi thế so với các nước khác. Do đó, để tăng năng lực cạnh tranh, việc rèn luyện, cải thiện kỹ năng mềm là điều cần được chú trọng. Ông Chương cho rằng trong trong bối cảnh mới, khi trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển nhanh là mối đe dọa tiềm tàng với các lập trình viên. "Trau dồi ngoại ngữ bằng các khóa học liên tục, tăng cường giao lưu, trao đổi văn hóa và chuyên môn sẽ giúp nhân sự IT Việt nâng tính cạnh tranh, dễ dàng hòa nhập toàn cầu hóa, làm việc từ xa và linh hoạt" - ông Chương nhận định.
Xây dựng tư duy cộng sinh
Theo bà Trần Thị Thu Trang, ngoài chính sách của nhà nước, các DN Việt Nam cần chủ động nhận ra vấn đề. Như tại công ty bà hiện cũng chuyển từ gia công sang cung cấp dịch vụ chuyển đổi số. "DN nên xác định đội ngũ có điểm mạnh gì để đi bán cái mình có; xây dựng tư duy cộng sinh, phối hợp với DN trong và ngoài ngành để cùng đưa ngành IT Việt phát triển" - bà Trang bày tỏ.
Bình luận (0)