Đã thành thông lệ, hằng năm, Công ty TNHH Đầu tư Công nghệ Âm thanh Triệu Gia (quận 6, TP HCM) đều lên kế hoạch đào tạo, đào tạo lại tay nghề cho công nhân (CN), nhất là CN kỹ thuật cao. Song song đó, công ty cũng liên tục điều chỉnh chính sách đãi ngộ để thu hút lao động giỏi.
Đa dạng cách tiếp cận
Ông Phan Nguyễn Trường Tài, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết sau khi dịch Covid-19 được khống chế, cũng như nhiều doanh nghiệp (DN) khác tại TP HCM, công ty phải đối diện với tình trạng thiếu hụt lao động.
Người lao động tại Công ty CP Thực phẩm Cholimex luôn được tạo điều kiện nâng cao tay nghề
Để giải bài toán này, ban giám đốc đã phối hợp với Công đoàn cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyển dụng tùy nhu cầu về vị trí việc làm ở từng bộ phận. Đại diện công ty đã trực tiếp đến các cơ sở đào tạo có uy tín như Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng... để thảo luận các vấn đề như tiếp nhận sinh viên thực tập và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề cho đội ngũ lao động kỹ thuật tại DN.
Với sự chuẩn bị chu đáo này, CN lành nghề sẽ được cử đi học các khóa đào tạo ngắn hạn 3 tháng, 6 tháng hoặc tham gia chương trình trao đổi kỹ thuật tại các cơ sở liên kết. Sau quá trình học tập, CN có chứng chỉ nghề sẽ được quy hoạch vào vị trí quản lý. Xuyên suốt quá trình học tập, người lao động (NLĐ) được ban giám đốc và Công đoàn sắp xếp thời gian làm việc phù hợp, miễn phí đào tạo, chưa kể hỗ trợ thêm chi phí ăn uống, đi lại...
Với đội ngũ sinh viên thực tập của các trường, ai đáp ứng được yêu cầu công việc và có nguyện vọng ở lại làm việc sẽ được tuyển dụng. Ngoài đội ngũ CN kỹ thuật, DN còn tạo điều kiện để NLĐ khối văn phòng học thêm công nghệ thông tin, ngoại ngữ.
Hướng đến mục tiêu nâng chất nguồn nhân lực, nhiều năm qua, Công ty CP Thực phẩm Cholimex (KCN Vĩnh Lộc) cũng đã xây dựng chương trình đào tạo nội bộ. Ngay từ đầu năm, phòng nhân sự của công ty sẽ khảo sát và tổng hợp nhu cầu của các đơn vị để xây dựng kế hoạch đào tạo chung cho toàn công ty. Chi phí đào tạo do DN chi trả. Mỗi năm, DN tổ chức hàng chục khóa học ngắn hạn về công tác an toàn lao động và bồi dưỡng về chuyên môn (như vận hành máy...), bồi dưỡng kỹ năng mềm (giao tiếp, ứng xử) cho hàng ngàn lượt lao động.
Với các khóa học nâng cao, DN sẽ liên kết với các cơ sở đào tạo có uy tín để tổ chức. NLĐ sau các khóa học này nếu chứng tỏ được khả năng sẽ được bồi dưỡng thành cán bộ quản lý. Ngoài ra, hằng năm, Công đoàn cơ sở còn phối hợp với ban giám đốc tổ chức thi tay nghề cho NLĐ. Kết quả thi tay nghề là căn cứ để xác định bậc thợ và nâng lương cho NLĐ.
Hỗ trợ mọi mặt
Tay nghề chính là yếu tố giúp NLĐ giữ được việc làm và nâng cao thu nhập, do đó, những năm qua, bên cạnh các chính sách hỗ trợ ăn, ở miễn phí cho NLĐ, Công ty CP Dịch vụ Bảo vệ Nam Thiên Long (quận 6) luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng tay nghề cho họ thông qua hình thức thi sát hạch hằng năm.
Theo bà Nguyễn Thu Hiền, Phó Chủ tịch Công đoàn công ty, định kỳ tháng 4 hằng năm, công ty sẽ mở lớp ôn luyện kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời phối hợp với các cơ quan công an có thẩm quyền để tổ chức sát hạch nghề nghiệp cho toàn thể NLĐ. Nhằm động viên NLĐ tích cực trau dồi kiến thức, công ty đã ban hành chính sách ưu đãi, những trường hợp vượt qua kỳ sát hạch sẽ được nâng 1 bậc lương.
Hiện thang bảng lương của công ty gồm có 8 bậc, mỗi bậc chênh lệch từ 300.000 đồng - 400.000 đồng và bậc thấp nhất được tính bằng mức lương tối thiểu vùng cộng với 7% cùng một số phụ cấp. NLĐ đạt bậc 8/8 sẽ được cộng thêm tiền thâm niên tương ứng. "Mức đóng BHXH, BHYT cũng dựa trên thu nhập của từng NLĐ nên tất thảy đều cố gắng vượt qua kỳ thi sát hạch. Đây chính là cách NLĐ cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống một cách căn cơ" - bà Hiền cho hay.
Tương tự, với chủ trương tăng năng suất lao động thay vì tăng ca, Công ty CP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Juno (huyện Bình Chánh, TP HCM) luôn nỗ lực nâng cao tay nghề cho đội ngũ CN. Theo ông Lý Khánh Hoàng, Trưởng Phòng Nhân sự Nhà máy Juno, chỉ có tay nghề cao và ứng dụng công nghệ mới giúp CN có được thu nhập ổn định, góp phần giải quyết áp lực về nhân sự cho DN khi gặp các đơn hàng khó hoặc gấp rút tiến độ. Để nâng cao tay nghề cho CN, công ty áp dụng phương pháp "một kèm một", một CN giỏi kèm một CN mới.
Cách làm này giúp những CN yếu tay nghề tự tin trong công việc, từ đó nâng cao năng suất lao động. "Nỗ lực phấn đấu của một CN sẽ quyết định năng suất lao động của cả dây chuyền sản xuất, do vậy ai cũng phải nêu cao tinh thần cộng đồng trách nhiệm" - ông Lý Khánh Hoàng nhìn nhận.
Bình luận (0)