Từ thực tế ấy, có người khuyến nghị việc điều chỉnh mức LTT phải phù hợp với tăng trưởng NSLĐ.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ Công đoàn (CĐ) cho rằng về nguyên tắc, tiền lương được trả phụ thuộc vào kết quả đầu ra và gắn với năng suất của người lao động (NLĐ), tăng lương phải dựa trên tăng NSLĐ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tiền lương phải bảo đảm NLĐ đủ sống và kích thích tăng NSLĐ.
Theo các chuyên gia lao động, tiền lương ở Việt Nam được đánh giá là khá thấp và điều này đã tạo ra nhiều hệ lụy trong quan hệ lao động. Tranh chấp lao động chủ yếu là về vấn đề tiền lương; hơn 80% các cuộc ngừng việc tập thể là đòi tăng lương hoặc phải trả đúng lương, nhất là lương làm thêm giờ, tiền thưởng, ăn giữa ca.
Theo quy định của Bộ Luật Lao động, LTT là mức thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của họ và gia đình. Những năm gần đây, dù mức LTT vùng tăng liên tục song thực tế vẫn không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Chưa hết, LTT đang bị bóp méo vì hiện nay, nhiều DN duy trì 2 bảng lương: Một bảng LTT để đóng BHXH và một bảng lương gồm tổng thu nhập thực tế NLĐ được hưởng. Nói cách khác, các DN đang lợi dụng tiền LTT làm cơ sở đóng BHXH, gây thiệt thòi cho NLĐ về lâu dài.
Trước thực trạng này, một trong những khuyến nghị chính sách đáng chú ý mà Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra là Chính phủ cần có lộ trình và chỉ đạo thực hiện điều chỉnh mức LTT vùng đáp ứng mức sống tối thiểu của NLĐ. "Sự điều chỉnh chính sách tiền lương của nhà nước cũng như của DN cần thiết phải xem xét đến lợi ích của NLĐ nhằm xác định được mức lương xứng đáng với đóng góp của NLĐ. Đó là động lực để NLĐ cống hiến, góp phần thúc đẩy NSLĐ chung trong nền kinh tế" - ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, bày tỏ.
Bình luận (0)