Thu nhập thực tế của đa số công nhân (CN) ngoại tỉnh hiện còn thấp so với nhu cầu cơ bản của cuộc sống, thậm chí không đủ trang trải các chi phí cần thiết trong sinh hoạt hằng ngày. Do đó, trong những tháng giáp Tết, ngoài việc tăng ca cật lực, họ còn phải bươn chải làm thêm ngoài giờ để kiếm tiền.
Gắng sức vì con
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của gia đình anh Phạm Văn Tâm (ngụ TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), đặc biệt trong thời điểm cận Tết cổ truyền. Mọi chi tiêu trong gia đình đều tăng nên ngoài giờ đi làm ở công ty, vợ chồng anh còn tranh thủ bán hàng online.
![Tất bật để Tết vui vầy - Ảnh 1. Tất bật để Tết vui vầy - Ảnh 1.](https://nld.mediacdn.vn/291774122806476800/2021/12/19/7-chot6cd19-12-16399188803581909466980.jpg)
Mẹ con chị Nguyễn Thị Tình chuẩn bị gửi hàng cho khách
Tâm cho biết vợ anh là người kiếm đầu mối cung cấp hàng, sau đó đưa lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… để mời gọi người mua. Các mặt hàng được vợ chồng anh bán gắn với nhu cầu thường ngày như thức ăn, trái cây, hàng gia dụng… Vợ anh lấy hàng vào cuối tuần và nhiệm vụ của anh là giao cho khách. Hàng hóa của hai vợ chồng có giá phải chăng, chất lượng tạm ổn và được đóng gói cẩn thận nên rất được lòng khách hàng.
"Khách đặt hàng chủ yếu là anh chị em CN cùng công ty hoặc người ở cùng dãy trọ. Thu nhập từ việc bán hàng online không được bao nhiêu nhưng cũng giúp vợ chồng tôi trang trải chi phí sinh hoạt và mua sữa cho con" - anh Tâm cho biết.
Với chị Nguyễn Thị Tình (quê Thanh Hóa) - CN một công ty may mặc tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương - sau thời gian làm việc ở nhà máy, gần như chị khoán trắng việc chăm con cho chồng để đi giao trái cây, quần áo cho những khách hàng đã chốt đơn trên Facebook. Anh Thảo - chồng chị Tình - trước đây là CN cơ khí, thu nhập cũng tạm ổn nhưng mấy tháng nay thất nghiệp do dịch bệnh. Chia sẻ khó khăn vất vả với vợ, ngoài việc phụ gói hàng, anh còn lo luôn việc bếp núc và chăm con ở nhà. Dù biết chồng chưa thạo nấu ăn nhưng chị Tình vẫn vui, bữa cơm chiều của gia đình dù muộn nhưng hết sức ấm áp.
Chị Tình bày tỏ: "Lập nghiệp nơi đất khách quê người quả thật không đơn giản. Lúc mới vào Bình Dương, vợ chồng tôi làm bất cứ công việc nào người ta thuê. Nhiều lúc tưởng chừng như không còn sức lực nhưng nhìn các con đang tuổi trưởng thành, vợ chồng tôi dặn lòng phải nỗ lực, vì một tương lai tốt đẹp hơn".
Chịu thương chịu khó
Cũng xoay xở để có cái Tết đủ đầy, vợ chồng anh Trần Anh Phương (CN Công ty CP Acecook Việt Nam, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) ngoài thời gian làm việc ở công ty còn tranh thủ bán áo quần ở chợ đêm.
Phương cho biết do vỡ "kế hoạch" nên vợ chồng anh mới cưới được 3 năm mà đã có 2 con. Vì ở trọ chật chội lại không có thời gian chăm con nên anh chị quyết định gửi về quê nhờ ông bà nội trông giúp. Sau giờ làm, họ ra chợ bán quần áo đến 23 giờ, hôm đắt khách cũng kiếm được 200.000 đến 300.000 đồng.
Theo anh Phương, xa quê lập nghiệp mà không cố gắng thì không biết khi nào mới mua được đất, cất được nhà đón các con vô ở cùng. Vợ chồng anh chịu thương chịu khó cũng chỉ vì tương lai các con. Vì thế, bữa cơm có thêm chút thịt, chút cá là họ hạnh phúc lắm rồi.
Bà Nguyễn Thị Quyên (ngụ ở TP Thủ Dầu Một) cũng đang nỗ lực vượt qua khó khăn trong những ngày cuối năm. Sau giờ làm việc ở công ty, bà lùa vội chén cơm rồi đẩy chiếc xe tự chế đi bán dạo băng đĩa nhạc. Trung bình một đêm, bà di chuyển khoảng 10 km, nếu may mắn thì cũng bán được khoảng vài chục CD. "Thu nhập từ việc bán đĩa chỉ giúp tôi đủ trả tiền phòng trọ mỗi tháng" - bà nói.
Vất vả là vậy nhưng hiếm khi bà Quyên than thở. Mỗi khi nhắc đến 2 con, khuôn mặt bà sáng lên vẻ tự hào. Với bà, hạnh phúc nhất là con cái thành đạt, ngoan ngoãn. Con đầu bà Quyên đang công tác trong quân đội, còn cô con gái út chuẩn bị tốt nghiệp đại học.
Hòa trong nhịp sống hối hả cuối năm, chúng tôi thêm thấu hiểu và cảm nhận được sự vất vả, nhọc nhằn, chịu thương, chịu khó của CN ngoại tỉnh. Thu nhập thấp khiến cuộc sống hằng ngày của họ đối diện nhiều áp lực. Do vậy, họ phải nỗ lực gấp bội để sống được nơi đất khách quê người. Gánh nặng mưu sinh đã khiến không ít người phải bươn chải, vất vả nhưng cũng nhờ vậy, con cái họ được cắp sách tới trường, bao ước mơ được chắp cánh...
Nỗ lực không mỏi
"Dịch bệnh kéo dài khiến đời sống của hàng triệu lao động trên địa bàn Bình Dương gặp rất nhiều khó khăn. Không kỳ vọng quá nhiều về thưởng Tết nên nhiều gia đình CN đã cố gắng xoay xở làm thêm để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt và lo cho cha mẹ, con cái ở quê. Nỗ lực không biết mệt mỏi của họ rất đáng trân trọng. Tổ chức Công đoàn tỉnh Bình Dương sẽ nỗ lực hết mình để kịp thời hỗ trợ, chăm lo cho họ" - bà Ong Thị Hoàng Mai, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, khẳng định.
Bình luận (0)