Cán bộ Công đoàn (CĐ) là đối tượng lao động đặc biệt và Bộ Luật Lao động đã có những quy định riêng nhằm giúp họ có thể thực hiện tốt vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ người lao động (NLĐ). Thế nhưng, một số doanh nghiệp (DN) đã bất chấp khuyến cáo, xâm phạm quyền và lợi ích của cán bộ CĐ để rồi phải trả một giá rất đắt.
Phớt lờ khuyến cáo
Mới đây, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên buộc Công ty TNHH K.D (KCN Biên Hòa) phải bồi thường cho ông V.Q.A - nhân viên kỹ thuật gia công, cũng là chủ tịch CĐ công ty - hơn 216 triệu đồng vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái luật. Đáng nói là trước khi chấm dứt HĐLĐ với ông A., công ty đã được các cơ quan chức năng tỉnh nhiều lần khuyến cáo.
Theo trình bày của ông A., ngày 25-4-2015 ông đã ký HĐLĐ xác định thời hạn 12 tháng với công ty ở vị trí nhân viên kỹ thuật. Ngày 21-11-2015, khi CĐ KCN Biên Hòa thành lập CĐ cơ sở tại DN, ông A. được chỉ định làm chủ tịch CĐ lâm thời. Ngày 26-4-2016, khi HĐLĐ của ông A. hết hạn, công ty tiếp tục gia hạn đến ngày 25-11-2016. Ngày 24-10-2016, khi CĐ cơ sở tổ chức đại hội lần thứ nhất, ông A. tiếp tục được tín nhiệm bầu làm chủ tịch CĐ (CĐ KCN Biên Hòa ra quyết định công nhận). Tuy nhiên, cũng trong ngày này, công ty đã gửi đến ông A. và CĐ KCN Biên Hòa thông báo về việc không tái ký HĐLĐ với ông A. Nhận được thông báo nói trên, CĐ KCN Biên Hòa đã có công văn phản hồi, khẳng định việc không gia hạn HĐLĐ đối với cán bộ CĐ không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ CĐ là trái quy định pháp luật. Ngày 7-11-2016, công ty gửi thông báo đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai và tiếp tục được khuyến cáo phải gia hạn HĐLĐ cho đến khi NLĐ hết nhiệm kỳ CĐ cơ sở. Thế nhưng, bất chấp khuyến cáo, ngày 25-11-2016, công ty vẫn quyết định chấm dứt HĐLĐ với ông A. Trong phiên xử phúc thẩm mới đây, hội đồng xét xử nhận định việc bầu ông A. tiếp tục làm chủ tịch CĐ cơ sở là hợp lệ, do vậy việc công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với ông A. là trái luật. Từ cơ sở này, hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện và buộc công ty phải bồi thường cho ông A.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sonion Việt Nam (bìa phải), được doanh nghiệp và người lao động tín nhiệm. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Đuổi người tùy tiện
Đang là ủy viên ban chấp hành (BCH) CĐ cơ sở (nhiệm kỳ 2018 - 2023), bà P.T.T.X - thư ký sản xuất của một công ty chuyên sản xuất nước giải khát tại quận Thủ Đức, TP HCM - cũng đột ngột bị cho nghỉ việc vì lý do "tái cơ cấu".
Bà X. cho biết bà vào làm tại công ty từ tháng 12-2008 và đã ký HĐLĐ không xác định thời hạn. Ngày 8-7-2019, công ty ra quyết định chấm dứt HĐLĐ đối với bà X. kể từ ngày 9-7-2019 mà không thỏa thuận, cũng không tuân thủ thời gian báo trước. Đáng lưu ý là công ty cũng không có thỏa thuận nào bằng văn bản với BCH CĐ cơ sở hoặc CĐ cấp trên trực tiếp trước khi cho bà nghỉ việc. Bức xúc, bà X. khởi kiện vụ việc ra tòa.
Tại phiên xử do TAND quận Thủ Đức tổ chức mới đây, đại diện công ty cho biết lý do chấm dứt HĐLĐ với bà X. nhằm tái cơ cấu bộ phận chuỗi cung ứng. Phía công ty cũng quả quyết đã thống nhất với BCH CĐ cơ sở về việc chấm dứt HĐLĐ với bà X. Bằng chứng là cuộc họp thông qua phương án sử dụng lao động (tổ chức vào ngày 3-6-2019) có sự hiện diện của chủ tịch CĐ cơ sở. Dù vậy, lập luận này bị tòa bác bỏ, bởi lẽ tại Quy chế hoạt động BCH CĐ công ty có quy định: "Mọi hoạt động của CĐ phải được tiến hành công khai, dân chủ; các chủ trương, nghị quyết của BCH phải được thảo luận và quyết định theo đa số. Hội nghị BCH, ban thường vụ phải có ít nhất 2/3 số thành viên dự họp mới có giá trị; các nghị quyết, quyết định của ban thường vụ, BCH phải có quá 50% thành viên dự họp tán thành mới có giá trị". Do đó, việc công ty dựa vào biên bản cuộc họp ngày 3-6-2019 và xem đây là thỏa thuận giữa DN cùng BCH CĐ là không có cơ sở, vi phạm khoản 7 điều 192 Bộ Luật Lao động. Từ đó, tòa nhận định hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ của công ty là trái luật và buộc phải bồi thưởng cho bà X. hơn 306 triệu đồng.
Tuân thủ luật để tránh thiệt hại
Theo luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, một số đặc quyền của cán bộ CĐ đã được quy định khá rõ tại điều 192 Bộ Luật Lao động năm 2012. Theo đó, khi NLĐ là cán bộ CĐ không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ CĐ mà hết hạn HĐLĐ thì được gia hạn HĐLĐ đã giao kết đến hết nhiệm kỳ. Mặt khác, khi người sử dụng lao động (NSDLĐ) đơn phương chấm dứt HĐLĐ, chuyển làm công việc khác, kỷ luật sa thải đối với NLĐ là cán bộ CĐ không chuyên trách thì phải thỏa thuận bằng văn bản với BCH CĐ cơ sở hoặc BCH cấp trên trực tiếp cơ sở. Trong trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương biết, NSDLĐ mới có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trường hợp không nhất trí với quyết định của NSDLĐ, BCH CĐ cơ sở và NLĐ có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo thủ tục, trình tự do pháp luật quy định. DN cần tuân thủ đúng quy định để tránh thiệt hại không đáng có.
Bình luận (0)