Khảo sát về giới trẻ Việt Nam năm 2014 của Công ty Adecco Việt Nam chỉ rõ nước ta có cấu trúc dân số vàng và thế hệ Y (từ 24-34 tuổi). Theo bà Nicola Connolly, tổng giám đốc công ty, thế hệ này đang gia nhập thị trường lao động một cách mạnh mẽ. Có lợi thế về sức trẻ, thời gian học hỏi, họ có nhiều cơ hội thăng tiến. Không ít doanh nghiệp (DN) đã và đang đưa nhân viên trẻ vào các vị trí quản lý.
Trọng người trẻ để tránh tụt hậu
Bà Nicola cho hay ngoài văn hóa thì cơ hội đào tạo, thăng tiến là yếu tố quan trọng giúp nhân viên trẻ gắn bó với công ty. 69% bạn trẻ muốn ở lại nơi làm việc đầu tiên từ 1 - 2 năm để học hỏi và thích ứng với văn hóa DN. Sau thời gian này, họ mới quyết định gắn bó hoặc nhảy việc. 50% lý do thay đổi công việc liên quan đến các vấn đề: thiếu điều kiện phát triển và thăng tiến hoặc sẽ có cơ hội tốt hơn ở công ty khác… Như vậy, DN phải tạo điều kiện cho nhân viên trẻ thăng tiến để ổn định nhân sự, phát triển đội ngũ kế thừa.
Báo cáo tổng quan thị trường nhân lực trực tuyến Việt Nam 6 tháng đầu năm 2014 do CareerBuilder.vn thực hiện cũng chứng minh việc trẻ hóa nhân lực đang diễn ra ở nhiều vị trí quản lý. Nhu cầu tuyển dụng cho các cấp bậc trưởng nhóm/giám sát, quản lý, giám đốc tăng 95%-43%. Đồng thời, ứng viên trong độ tuổi 24 - 34 ứng tuyển các vị trí quản lý cũng tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2013.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, ông Phạm Hoài Thanh, đại diện Công ty TNHH Nguồn lực Việt, cho rằng xu hướng trọng người trẻ giúp nhiều DN tìm được hướng đi mới.
“Quản lý trẻ có điều kiện tiếp cận nhiều nguồn thông tin nên sẽ có góc nhìn “mở” hơn người đã làm việc ở một lĩnh vực nhiều năm. DN có thể tránh việc đi vào lối mòn, tụt hậu, tạo đột phá khi thế hệ trẻ nắm quyền quyết định. Dù vậy, do thiếu kinh nghiệm nên nhóm quản lý này rất cần sự dẫn dắt của lãnh đạo. Tin tưởng lớp trẻ đồng nghĩa với việc DN phải chấp nhận rủi ro khi không giữ được người hoặc quản lý trẻ mắc sai lầm” - ông Thanh phân tích.
Đòi hỏi lăn xả, trung thực
Bắt kịp xu hướng, nhiều DN, đặc biệt là DN có vốn đầu tư nước ngoài, đã tận dụng thế mạnh của đội ngũ quản lý trẻ để phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhiều quản lý trẻ phải nỗ lực hết sức để tạo uy tín, giữ vững vị trí.
Đơn cử, lãnh đạo Công ty TRG International Việt Nam (hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin) đã tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý bộ phận marketing trong nước - bộ phận quan trọng nhất DN - cho anh Phạm Ngọc Khanh, 27 tuổi. Anh Khanh được bổ nhiệm vào vị trí trưởng phòng sau 2 tháng làm việc.
“Tôi luôn lăn xả vào công việc, tự nâng cao khả năng ngoại ngữ để tạo dựng uy tín với đồng nghiệp. Lãnh đạo là người nước ngoài nên khá thoải mái trong việc lắng nghe ý kiến và tạo điều kiện cho tôi” - anh Khanh tâm sự.
Hiện nay, nhiều DN trên thế giới ưu tiên vị trí quản lý cho các bạn trẻ, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Đặc biệt, các DN có vốn đầu tư nước ngoài luôn rộng cửa đối với ứng viên trẻ biết cách chứng minh khả năng của mình.
Trần Quốc Huy - 25 tuổi, hiện là quản lý dịch vụ khách hàng của Công ty Profiles International - cũng khẳng định anh thăng tiến sau hơn 1 năm gắn bó với DN này nhờ tinh thần dám nghĩ dám làm, minh bạch trong công việc. “Việc tìm kiếm và chăm sóc khách hàng đôi khi đòi hỏi nhân viên phải “đi cửa sau”. Song, tôi luôn thẳng thắn và công khai tất cả vấn đề. Vì vậy, lãnh đạo tin tưởng giao cho tôi công việc quan trọng” - anh Huy giải thích.
Thực tế đã cho thấy so với người dày dạn kinh nghiệm, người trẻ nhanh nhạy hơn trong việc tiếp thu, học hỏi và sửa sai.
Tạo điều kiện cho nhân viên trẻ
Nhiều công ty như: American Standard, P&G, FPT, VietnamWorks... cũng sẵn sàng tạo điều kiện cho nhân viên trẻ. Sau đợt tuyển dụng của Công ty P&G, nhân viên có năng lực sẽ được bố trí vào vị trí chủ chốt phù hợp mà không giới hạn tuổi tác. Chức vụ trưởng phòng ở một số bộ phận của VietnamWorks đều do nhân viên dưới 35 tuổi đảm nhiệm...
Bình luận (0)