Khi bị chấm dứt hợp đồng, không phải lao động nào cũng biết rõ các khoản trợ cấp mình có thể nhận. Đặc biệt, rất nhiều người nhầm lẫn giữa trợ cấp thôi việc và mất việc làm.
Điều kiện nhận trợ cấp
Theo quy định tại khoản 1, điều 49 Bộ Luật Lao động 2012, người sử dụng lao động (NSDLĐ) có trách nhiệm trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động (NLĐ) đáp ứng đủ các điều kiện: Đã làm việc thường xuyên từ 12 tháng trở lên; Bị mất việc làm do: Thay đổi cơ cấu, công nghệ (thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động; thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm; thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh); Lý do kinh tế (khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế; thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế); Sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã; Chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp mà không sắp xếp được công việc.
Mức trợ cấp cho mỗi năm làm việc bằng 1 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương
Cách tính trợ cấp mất việc làm. Cũng theo Điều luật này, mức trợ cấp cho mỗi năm làm việc bằng 1 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương.
Cụ thể: Mức trợ cấp bằng (=) thời gian tính hưởng trợ cấp nhân (x) tiền lương tính hưởng trợ cấp.
Thời gian tính hưởng
Khoản 2, điều 49 Bộ Luật Lao động 2012 nêu rõ, thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc.
Thời gian tính trợ cấp bằng (=) tổng thời gian làm việc thực tế trừ (-) thời gian đã tham gia BHTN trừ (-) thời gian làm việc đã được trợ cấp thôi việc.
Lưu ý, theo khoản 5, điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP: Tổng thời gian làm việc thực tế của NLĐ bao gồm: Thời gian làm việc thực tế theo hợp đồng lao động; Thời gian được NSDLĐ cử đi học; Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản; Thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được NSDLĐ trả lương; Thời gian nghỉ hàng tuần, nghỉ việc hưởng nguyên lương; Thời gian nghỉ việc để hoạt động Công đoàn; Thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân được NSDLĐ trả lương; Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của NLĐ; Thời gian bị tạm đình chỉ công việc.
Thời gian tính trợ cấp bằng tổng thời gian làm việc thực tế trừ thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp trừ thời gian làm việc đã được trợ cấp thôi việc
Thời gian NLĐ đã tham gia BHTN bao gồm: Thời gian NSDLĐ đã đóng BHTN; Thời gian được tính là đã đóng BHTN; Thời gian NSDLĐ đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của NLĐ một khoản tiền tương đương với mức đóng BHTN.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc được tính theo năm (đủ 12 tháng). Trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 1 - 6 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 6 tháng trở lên được tính bằng 1 năm làm việc.
Tiền lương để tính
Theo khoản 3, điều 49 Bộ Luật Lao động 2012, tiền lương để tính trợ cấp mất việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi NLĐ mất việc.
Ví dụ: Chị N làm việc tại Xí nghiệp A. Do thay đổi cơ cấu sản phẩm, trình độ không phù hợp nên xí nghiệp cho chị thôi việc. Mức bình quân tiền lương theo hợp đồng lao động của 6 tháng cuối trước khi nghỉ việc của chị N là 9 triệu đồng. Tại Xí nghiệp A, chị N có 9 năm 8 tháng làm việc. Trong đó, thời gian tham gia BHTN là 7 năm và thời gian đã được chi trả trợ cấp thôi việc là 1 năm. Do đó, thời gian tính hưởng trợ cấp mất việc của chị N sẽ là 9 năm 8 tháng - 7 năm - 1 năm = 1 năm 8 tháng (làm tròn thành 2 năm). Như vậy, mức hưởng trợ cấp trợ cấp mất việc của chị N bằng 2 x 9 triệu đồng = 18 triệu đồng.
Bình luận (0)