Vũ Hoàng Anh (quận Tân Bình, TP HCM) hỏi: "Trong thời gian làm việc tại công ty, tôi từng bị đình chỉ công việc 20 ngày để điều tra vi phạm kỷ luật lao động. Sau đó, công ty kết luận tôi không vi phạm kỷ luật và vẫn được nhận đủ lương trong thời gian này. Mới đây, công ty ra thông báo cho tôi nghỉ việc vì tái cơ cấu, tổ chức lại lao động. Vậy thời gian đình chỉ công việc có được xem là thời gian làm việc thực tế để tính hưởng trợ cấp mất việc làm không?".
- Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, trả lời: Theo quy định tại Nghị định 148/2018/NĐ-CP, thời gian làm việc thực tế để tính trợ cấp mất việc làm bao gồm: Thời gian người lao động (NLĐ) đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) theo hợp đồng lao động; thời gian được NSDLĐ cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH; thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được NSDLĐ trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thời gian nghỉ hằng tuần theo điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo điều 111, điều 112, điều 115 và khoản 1 điều 116 của Bộ Luật Lao động; thời gian nghỉ việc để hoạt động Công đoàn theo quy định của pháp luật về Công đoàn; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được NSDLĐ trả lương; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của NLĐ; thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo điều 128 của Bộ Luật Lao động. Căn cứ quy định trên, 20 ngày nghỉ tạm đình chỉ công việc của anh Vũ Hoàng Anh được xem là thời gian làm việc thực tế để hưởng trợ cấp mất việc làm.
Bình luận (0)