"Chỉ còn vài hôm nữa là bước sang năm 2018. Nếu Quốc hội không có ý kiến, điều 56 Luật BHXH năm 2014 sẽ có hiệu lực. Mấy hôm nay người lao động nhốn nháo hỏi thăm, tôi không biết trả lời thế nào? Tôi nghĩ dừng hay không dừng thực hiện điều 56 Luật BHXH hoặc có phương án nào khác thì cũng phải có câu trả lời chính thức chứ im lặng như vậy tôi rất lo người lao động sẽ phản ứng như đã từng xảy ra với điều 60 trước đây". Chủ tịch Công đoàn một doanh nghiệp có đông lao động tại TP HCM không giấu được lo lắng khi được hỏi về tình hình lao động tại doanh nghiệp trước thông tin ngày 1-1-2018, lương hưu của nữ vẫn sẽ giảm sút nếu điều 56 Luật BHXH được thực thi.
Từ 1-1-2018 để đạt tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% thì lao động nữ phải đóng BHXH đủ 30 năm
Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ 1-1-2018 để đạt tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% thì lao động nữ phải đóng BHXH đủ 30 năm (hiện nay chỉ 25 năm). Cụ thể từ năm đóng BHXH thứ 16 trở đi, mỗi năm chỉ được cộng thêm 2% lương hưu, thay vì 3% như hiện nay. Quy định này được thực thi ngay trong khi đối với nam giới, việc nâng số năm đóng BHXH để được hưởng mức lương hưu tối đa 75% có lộ trình 5 năm. Trong bối cảnh Bộ Luật Lao động chưa điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu thì việc thực hiện quy định nêu trên là một bất hợp lý và không công bằng đối với lao động nữ.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có văn bản gửi Chính phủ và Quốc hội đề xuất tạm dừng thực hiện điều 56 Luật BHXH
Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, trả lời ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung cho biết đã có báo cáo Thủ tướng và Chính phủ về bất hợp lý này và nêu phương án điều chỉnh theo hướng có lộ trình đối với nữ như nam giới. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cũng đã có văn bản gửi Chính phủ và Quốc hội đề xuất tạm dừng thực hiện điều 56 Luật BHXH năm 2014 cho đến khi quy định về tuổi hưu được sửa đổi. Trước đó, UBND TP HCM cũng đã có văn bản gửi Bộ LĐ-TB-XH, BHXH Việt Nam đề nghị xem xét, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội có phương án thực hiện điều 56 Luật BHXH cho phù hợp, tránh gây sốc cho người lao động, nhất là lao động nữ.
Quy định được áp dụng với người lao động tham gia BHXH từ trước khi Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực là không đúng
"Với việc chính sách BHXH thay đổi theo hướng bất lợi cho người tham gia như vậy thì việc người lao động đóng BHXH nhưng không muốn nhận lương hưu mà nhận BHXH một lần mới làm cho nguy cơ vỡ quỹ BHXH hiện hữu. Điều này làm cho gánh nặng an sinh xã hội càng thêm nặng nề và đáng lo ngại khi một lực lượng lớn lao động không có lương hưu khi về già. Chưa kể quy định được áp dụng với người lao động tham gia BHXH từ trước khi Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực là không đúng, nói cách khác là nhà nước đã vi phạm thỏa thuận với người dân". Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM khẳng định như vậy.
Chỉ còn vài ngày nữa là bước sang năm 2018, nhưng các phương án "giảm sốc" theo đề xuất của các bộ, ngành vẫn chưa được thông qua và có quyết định cuối cùng. Đây là một sự chậm trễ không nên có trong lúc này...
Bình luận (0)