Không khó nhận diện thực trạng này khi thời gian gần đây, không hiếm DN thường đưa ra yêu cầu tuyển dụng ở "độ tuổi vàng" là 18-35. Điều này đồng nghĩa với việc những lao động trên 35 tuổi được coi là "quá tuổi lao động". Trường hợp chị Hoàng Thị Kim - 40 tuổi, quê Nghệ An - là một ví dụ. Chị Kim vốn là công nhân một DN chuyên gia công da giày tại TP HCM, có thâm niên làm việc gần 20 năm. Cách đây một năm, do gia đình có việc riêng nên chị xin nghỉ việc. Sau thời gian nghỉ, chị chạy vạy khắp nơi để xin việc nhưng đều nhận được những cái lắc đầu. Lý do các DN "từ chối" chị là lớn tuổi, khó làm việc với cường độ cao dù có kỹ năng nghề. Chán nản, chị Kim bỏ về quê để kiếm kế mưu sinh. Nhiều lao động ở độ tuổi như chị Kim cũng gặp khó khăn tương tự khi hồ sơ xin việc thường bị các DN "ngâm".
Ảnh báo Đồng Nai
Thực tế, người lao động (NLĐ) trên 35 tuổi rất khó xin việc bởi DN ngại trả lương, đóng BHXH, thất nghiệp… ở mức cao. Trong khi đó, DN sử dụng lao động trẻ có chi phí rẻ và sức khỏe tốt hơn. Theo nhận định của các chuyên gia lao động, vòng tuần hoàn "tuyển dụng - sa thải - tuyển dụng" sẽ liên tục diễn ra và đây là cách thức để nhiều DN giảm chi phí trích nộp bảo hiểm, đặc biệt là chi phí tăng lương.
Ông Hà Kiến Tường, giám đốc một DN giày da có hơn 10.000 lao động tại tỉnh Bình Dương, bày tỏ: "Tìm cách sa thải lao động lớn tuổi là cách hành xử thiếu trách nhiệm. Cống hiến tuổi xuân cho sự phát triển của DN, họ mới chính là đối tượng cần được đối đãi công bằng". Ở công ty ông Tường, lao động lớn tuổi có tay nghề sau thời gian cống hiến sẽ được cất nhắc lên vị trí quản lý với mức đãi ngộ thỏa đáng. Trước khi làm quản lý, họ được công ty cử theo học các khóa quản lý hoặc nâng cao trình độ chuyên môn. Với chính sách chăm lo này của DN, tất thảy họ đều không bị hụt hẫng khi tiếp cận công việc mới, từ đó góp phần hỗ trợ đắc lực cho DN trong công tác quản lý. Từ thực tế này, ông Tường kết luận: "Vắt chanh bỏ vỏ là điều DN nên tránh đối với lao động lớn tuổi, thay vào đó là phải tìm cách chăm lo tốt hơn cho đối tượng này".
Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, phần lớn NLĐ muốn có thu nhập ổn định và tích lũy thì phải làm thêm, tăng ca. Bị vắt kiệt sức lao động nên về lâu dài, sức khỏe họ sẽ suy giảm, không thể bảo đảm cường độ làm việc và đối diện nguy cơ mất việc. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Luật Lao động cần nghiên cứu, quy định số giờ làm thêm phù hợp để bảo vệ NLĐ, giúp họ có sức khỏe làm việc sau lứa tuổi 35-40.
Bình luận (0)