“Công ty không phân biệt người có tay nghề cao, tay nghề thấp, lao động mới vào hay lao động lâu năm, cứ cào bằng theo mức lương tối thiểu để tính lương cơ bản, điều chỉnh lương hằng năm cũng theo lương cơ bản khiến chúng tôi rất thiệt thòi” - anh Nguyễn Minh Đạt, công nhân (CN) cơ khí, làm việc tại KCN Tân Bình, TP HCM) chia sẻ.
Làm 10 năm, lương cơ bản chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng
Sau khi tốt nghiệp lớp trung cấp cơ khí ở quê, anh Đạt từ Nghệ An vào TP HCM lập nghiệp. Anh được tuyển dụng vào vị trí CN cơ khí ở bộ phận bảo trì máy tại một công ty chuyên về may mặc. Anh Đạt kể lại: “Cty ký hợp đồng thử việc với tôi 3 tháng, sau đó ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) 1 năm, rồi 2 năm, rồi 3 năm. Sau đó lại quay trở lại ký HĐLĐ 1 năm. Tới bây giờ, sau khi gắn bó 10 năm với công ty, tôi đang có HĐLĐ 3 năm, với mức lương cơ bản 4,7 triệu đồng/tháng”. Lý giải cho tình trạng của mình, anh Đạt chia sẻ: “Khi thử việc, công ty viện lý do tôi có bằng trung cấp nên thử việc lâu hơn lao động phổ thông nhưng đến khi ký HĐLĐ 1 năm với tôi thì công ty lại ký mức lương và các chế độ khác đúng bằng mức lương của lao động phổ thông, nghĩa là người vừa học hết lớp 9 hay lớp 12 đều vậy. Với trình độ, công việc của tôi, công ty không được thử việc tới 3 tháng, nhưng vì cần công việc nên tôi chấp nhận và không khiếu nại gì. Sau khi trải qua hết các lọai HĐLĐ có thời hạn, tôi cứ nghĩ mình sẽ được công ty ký HĐLĐ không xác định thời hạn và tăng lương theo thâm niên nhưng sự thực không phải vậy.
Ban giám đốc viện lý do thay đổi cơ cấu sản xuất, thay đổi nhân sự, ký lại HĐLĐ toàn bộ với nhân viên. Khi đó, anh chị em CN có phản ứng nhưng ban giám đốc tuyên bố “ai không đồng ý thì cứ nghỉ việc”. Tôi nghĩ, nếu tôi đi chỗ khác thì lương khởi điểm cũng chẳng khá hơn nên quyết định ở lại. Vì thế, sau 10 năm, tôi vẫn còn đang HĐLĐ 3 năm và mức lương cơ bản hơn 4 triệu đồng/tháng dù ở Cty có quy định về thang, bảng lương cụ thể cho từng đối tượng, chức danh, nghề nghiệp, mức độ khó dễ, phức tạp của từng công việc và tăng lương hằng năm ra sao”.
Tình trạng doanh nghiệp (DN) làm thang, bảng lương một đằng nhưng thực hiện một nẻo không phải là hiếm. Tại buổi khảo sát về tình hình thực hiện Bộ Luật Lao động năm 2012 của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM mới đây, bà Nguyễn Võ Minh Thư, Trưởng Phòng Quản lý lao động các KCX-KCN TPHCM (Hepza), cho biết: Hằng năm, các DN cũng tiến hành xây dựng thang, bảng lương gửi đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động. Song, số DN gửi thang, bảng lương về cho Hepza chỉ đạt tỉ lệ 60%-65%.
Bên cạnh đó, tình trạng nhiều DN không áp dụng đúng thang, bảng lương đã xây dựng còn xảy ra. DN không nâng bậc mà chỉ điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo quy định, dẫn đến NLĐ làm việc lâu năm có mức lương bằng với NLĐ mới tuyển hoặc có nâng lương nhưng không đúng theo thang, bảng lương đã xây dựng. Tuy hằng năm, các DN đều thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng đối với NLĐ nhưng qua thống kê cho thấy, tiền lương của người lao động (NLĐ) không cao, hầu hết chỉ cao hơn lương tối thiểu vùng từ 7% đến 12%, tức từ 4 triệu đến 4,3 triệu đồng/tháng (chưa bao gồm phụ cấp và các khoản hỗ trợ khác).
“Chính những hành vi này của DN đã gây ra nhiều cuộc tranh chấp lao động tập thể” - Bà Thư đánh giá.
Thay đổi cách trả lương xoành xoạch!
Mới đây, NLĐ tại một DN ở TPHCM đã ngừng việc tập thể phản đối cách tính lương mới của công ty vì chuyển từ tính lương thời gian sang tính lương sản phẩm. Theo trình bày của CN, cách đây 4 năm, công ty áp dụng tính lương theo sản phẩm, CN chịu khó tăng ca, đơn giá sản phẩm cao nên thu nhập CN khá ổn. Tuy nhiên, sau đó, công ty lại thay đổi cách tính lương, bỏ tính lương theo đơn giá mà chuyển về tính lương thời gian. Tất cả các CN được tính lại lương cơ bản, cộng các khoản phụ cấp, lương tăng ca tính dựa vào lương cơ bản. Kể từ khi công ty thay đổi cách tính, thu nhập của CN tay nghề cao, lâu năm chẳng hơn bao nhiêu so với CN mới, nhiều CN phản ứng. Tuy nhiên, vụ việc sau đó được giải quyết.
Đầu năm nay, DN lại thay đổi cách tính lương, chuyển từ lương thời gian sang tính lương sản phẩm, ký lại HĐLĐ, đưa lương cơ bản của CN về đúng với mức lương tối thiểu vùng. Làm việc nhiều năm mà tiền lương cơ bản, tiền lương đóng BHXH không thay đổi, thâm niên không được chú trọng. Việc Cty thay đổi cách tính lương xoành xoạch đã khiến CN nản lòng, nhiều người làm việc lâu năm, có tay nghề đều xin nghỉ việc.
Tại buổi khảo sát về tình hình thực hiện Bộ Luật Lao động năm 2012 của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, bà Trần Kim Yến, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM nêu lên thực trạng: Bên cạnh việc trả lương cho NLĐ bằng mức tối thiểu vùng, hiện nay, các DN còn thường xuyên thay đổi hình thức trả lương: Khi thì từ lương thời gian chuyển sang lương sản phẩm, lúc lại đổi sang lương khoán khiến NLĐ vô cùng bức xúc, hoang mang. Bên cạnh đó, hiện chưa có căn cứ xác định các yếu tố chủ yếu định lượng mức lương tối thiểu vùng để Hội đồng Tiền lương quốc gia nghiên cứu, dẫn đến khó thống nhất ý kiến khi đề xuất mức lương tối thiểu vùng áp dụng hằng năm.
Ngoài việc xây dựng thang, bảng lương để đối phó với cơ quan quản lý nhà nước mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công Sở LĐTBXH TPHCM, đánh giá cơ chế tiền lương trong DN hiện nay còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt. Theo đó, dù nghị định về lương tối thiểu của Chính phủ chỉ quy định mức lương sàn song DN lại dùng mức này để áp cho đa số NLĐ. Các DN còn xây dựng thang, bảng lương thành nhiều bậc, tách tiền lương thành nhiều khoản như: mức lương, phụ cấp, trợ cấp, các khoản bổ sung khác để trốn đóng BHXH.
“Chính vì lẽ đó, trong nhiều DN hiện nay, tồn tại 3 loại lương: lương tham gia BHXH và giải quyết chế độ chính sách, lương để quyết toán thuế, lương thực trả cho NLĐ. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, kiểm tra chính sách tiền lương đối với các DN” - ông Năm nhìn nhận.
Bình luận (0)