“Công ty giảm lương không đúng thỏa thuận. Tôi thắc mắc, thay vì giải quyết khiếu nại, công ty lại cấm cửa, không cho tôi vào làm việc”. Chị Nguyễn An Thu Tâm, nguyên nhân viên Công ty TNHH MTV Nhà hàng Việt Phố (Công ty Việt Phố; quận 3, TP HCM), không giấu được ấm ức khi đến gửi đơn khiếu nại cho LĐLĐ TP HCM mới đây.
Trừ lương, giao thêm việc
Theo thỏa thuận, chị Tâm vào Công ty Việt Phố làm việc từ tháng 5-2015 với lương thử việc là 80% tiền lương của công việc chính thức. Hết thời gian thử việc, Công ty Việt Phố vẫn trả lương cho chị Tâm là 80%, đồng thời còn trừ thêm 25% tiền lương cho khoản gọi là “lương tạm giữ về hợp đồng”. Không đồng ý, chị Tâm nhiều lần khiếu nại. Thay vì trả lời thắc mắc của chị Tâm, công ty lại giao thêm việc cho chị với yêu cầu “nếu không đạt sẽ bị trừ lương và đuổi việc…”.
Bức xúc với cách hành xử của công ty, chị Tâm gửi đơn khiếu nại đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), LĐLĐ quận 3 để nhờ giải quyết. Trong khi vụ việc chưa được xử lý thì tháng 1-2016, Công ty Việt Phố không cho chị Tâm vào làm việc. “Nếu công ty cho rằng tôi không làm tốt công việc thì cứ nói thẳng, tôi sẽ tự động nghỉ việc. Còn với cách hành xử như hiện tại thì tôi không thể chấp nhận. Lúc cần thì công ty tìm mọi cách để có được người lao động (NLĐ), khi không cần thì tìm đủ mọi cách để cho NLĐ nghỉ việc. Tôi sẽ theo đuổi vụ việc đến cùng vì không thể để công ty ức hiếp mãi” - chị Tâm nói.
Để tìm hiểu phản ánh của chị Tâm, chúng tôi đã liên hệ với Công ty Việt Phố. Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thắng, đại diện theo ủy quyền của giám đốc công ty, cho biết: “Vụ việc kéo dài và hiện chị Tâm đã kiện công ty ra tòa. Mọi việc phải đợi kết quả giải quyết của tòa án chứ hiện tại, chúng tôi không thể nói thêm gì”.
Tự động “ém” lương
Khi NLĐ làm việc, mục đích lớn nhất của họ là được trả lương để trang trải cuộc sống. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng điều đó để chèn ép NLĐ. Cắt giảm tiền lương, trả lương không đúng thỏa thuận, tùy tiện giữ lương của NLĐ... là những việc làm khiến NLĐ ức chế, dẫn đến tranh chấp. Trường hợp xảy ra tại Trường Mầm non Tesla (quận Tân Bình, TP HCM) là một ví dụ.
Theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) đã ký giữa anh Nguyễn Đặng Trường Huy với nhà trường thì mức lương chính của anh Huy là 32 triệu đồng/tháng. Thế nhưng vừa qua, Trường Mầm non Tesla không trả lương cho anh Huy. Bà Lại Thị Phương Thúy, Trưởng Phòng Nhân sự Trường Mầm non Tesla, cho biết việc không trả lương là do anh Huy không hoàn thành nhiệm vụ được giao. “Nói tôi không hoàn thành nhiệm vụ tại sao trong quá trình làm việc, nhà trường không lập biên bản hoặc nhắc nhở? Còn nếu vì lý do khác mà nhà trường muốn giảm lương của tôi, tại sao không thương lượng, thỏa thuận? Tôi không đồng ý cách hành xử này” - anh Huy nói.
Dùng đủ chiêu trò
Cũng với cách xử sự áp đặt như vậy, Công ty CP Dầu nhớt và Hóa chất Việt Nam (quận Bình Thạnh, TP HCM) đang tự gây khó cho mình khi vướng vào vụ tranh chấp với anh Trần Minh Thái. Anh đang làm trưởng bộ phận sản xuất, công ty đột ngột bảo anh làm đơn xin nghỉ việc. Khi anh không đồng ý, công ty chuyển anh sang làm “cán bộ môi trường” với công việc là nhổ cỏ, cắt cỏ, dọn vệ sinh.
Đưa cho chúng tôi xem đầy đủ hồ sơ, chứng cứ, anh Thái buồn bã: “Tôi không thể kể hết những việc làm của lãnh đạo nhà máy nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tôi với mục đích làm cho tôi nản lòng mà nghỉ việc. Không thể chịu đựng, tôi đã gửi đơn khiếu nại đến Sở LĐ-TB-XH TP HCM. Ngày 14-4-2016, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP có văn bản trả lời, khẳng định việc công ty điều chuyển tôi là không đúng quy định và buộc phải hủy quyết định điều chuyển. Thế nhưng trước đó 1 ngày, vào ngày 13-4, công ty đã ra quyết định cho tôi nghỉ việc với lý do thay đổi cơ cấu, tổ chức Nhà máy Vilube. Tôi không ngờ công ty lại dùng đủ chiêu trò khi muốn đẩy một NLĐ ra đường như vậy!”.
Ông TRẦN VĂN TRIỀU, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM:
Đối mặt với nhiều rắc rối, phiền phức
Qua hồ sơ mà NLĐ cung cấp cho thấy chỉ vì không muốn NLĐ tiếp tục làm việc mà doanh nghiệp tìm đủ cách để ép họ phải nghỉ việc. Cách làm này lợi bất cập hại vì doanh nghiệp sẽ đối mặt với nhiều rắc rối, phiền phức về pháp lý và tổn hại uy tín.
Bình luận (0)