Sự hài lòng trong công việc không chỉ là thước đo thành công mà còn là nền tảng hạnh phúc trong cuộc sống. Nhưng để đạt được điều này, mỗi cá nhân cần hiểu giá trị bản thân, xác định mục tiêu dài hạn và xây dựng sự gắn kết hài hòa giữa công việc và những ưu tiên cá nhân.
Nhiều khảo sát về nhân sự đã chỉ ra mức độ hài lòng nghề nghiệp có sự khác nhau giữa các thế hệ. Trong đó, gen X (sinh từ 1965 - 1980) xem trọng sự ổn định và các chế độ đãi ngộ tài chính, duy trì sự hài hòa công việc cùng các khía cạnh cá nhân. Với gen Y (sinh từ 1981 - 1996), mong muốn công việc là nguồn thu nhập, mang lại giá trị và mục đích. Họ đánh giá cao cơ hội phát triển cá nhân, học hỏi, thăng tiến, môi trường làm việc thân thiện, linh hoạt và có thể làm việc từ xa.
Riêng gen Z (sinh từ 1997 - 2012), thế hệ đang chiếm lĩnh thị trường lao động hiện nay, ngoài tìm kiếm công việc có mục đích xã hội rõ ràng, tạo ra tác động tích cực cho cộng đồng, họ còn đề cao môi trường làm việc công bằng, minh bạch, linh hoạt và lộ trình phát triển nghề nghiệp rõ ràng để duy trì sự gắn bó lâu dài.
Ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Giám đốc toàn quốc Dịch vụ tư vấn tuyển dụng Adecco Việt Nam, cho rằng sự hài lòng trong công việc đến từ 3 yếu tố: môi trường làm việc, giá trị cá nhân và cơ hội phát triển nghề nghiệp. Trong đó, môi trường làm việc đóng vai trò nền tảng giúp người lao động (NLĐ) cảm thấy thoải mái và an tâm. Bởi, sự tôn trọng, giao tiếp cởi mở và hỗ trợ từ đồng nghiệp, cấp trên, giúp họ cảm thấy được trân trọng.
Bên cạnh đó, giá trị cá nhân cũng rất quan trọng. Khi công việc phù hợp với đam mê và mục tiêu sống, nhân viên sẽ tìm thấy ý nghĩa trong công việc và tạo động lực lâu dài để gắn bó. Những công việc giúp đóng góp tích cực cho xã hội hoặc thể hiện bản sắc cá nhân sẽ gia tăng sự hài lòng.
Ngoài ra, khi nhân viên có cơ hội học hỏi, nâng cao kỹ năng và thăng tiến, họ cảm thấy công sức của mình được ghi nhận và đánh giá cao. Thiếu cơ hội phát triển sẽ khiến nhân viên bị kìm hãm và giảm động lực. "Tương tác tích cực giữa các yếu tố này, sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững của cả cá nhân và tổ chức. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả công việc và sự thịnh vượng chung" - ông Chương nói.
Đồng quan điểm, bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc chuyên trang tuyển dụng Việc Làm Tốt, đánh giá môi trường làm việc tích cực không chỉ giúp NLĐ phát huy tối đa năng lực cá nhân, mà còn mang lại cảm giác thỏa mãn và hài lòng. Khi nhân viên nhận được sự công nhận xứng đáng và cơ hội phát triển nghề nghiệp, họ sẽ cải thiện hiệu suất công việc, hình thành mối liên kết sâu sắc với sứ mệnh và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp (DN). Mối gắn kết này thúc đẩy chất lượng công việc, nâng cao sự hài lòng trong cuộc sống, tạo ra nguồn động lực bền bỉ để cống hiến, đổi mới và gắn bó lâu dài.
Theo bà Ngọc, việc xây dựng môi trường làm việc tích cực không chỉ là trách nhiệm của DN mà còn đòi hỏi sự chủ động từ NLĐ. Một môi trường làm việc hài hòa sẽ giúp giữ chân nhân tài, góp phần thúc đẩy hiệu quả công việc. "DN cần tạo điều kiện thuận lợi thông qua các chính sách hỗ trợ và văn hóa công nhận, để NLĐ tham gia xây dựng tích cực. Chính sự cộng hưởng này sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững cho cả hai bên" - bà Ngọc phân tích.
Bình luận (0)