Để ổn định thị trường lao động, trước Tết Nguyên đán 2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động, thực hiện những giải pháp nhằm thu hút người lao động (NLĐ) trở lại làm việc sau Tết. Bên cạnh đó, duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, hạn chế xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ; bảo đảm quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
Nhu cầu lớn
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết năm 2024, toàn ngành sẽ tập trung xây dựng thị trường lao động ổn định, linh hoạt, đa chiều, phát triển bền vững; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu, góp phần nâng cao năng suất lao động, nhất là những ngành nghề mới nổi như sản xuất chip, bán dẫn, thị trường tín chỉ carbon…
"Thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024, không khí sản xuất ở các nhà máy đã sôi động. Tại những doanh nghiệp (DN) thuộc các vùng kinh tế trọng điểm, NLĐ trở lại làm việc chiếm tỉ lệ cao, nhiều DN đẩy mạnh tuyển dụng thêm nhân công" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Ngay sau Tết Nguyên đán, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP Hà Nội đã phối hợp Trung tâm DVVL các tỉnh, thành: Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Thái Bình, Quảng Ninh và Hải Phòng tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến. Hơn 150 DN tham gia tuyển 44.183 lao động với nhiều trình độ, ngành nghề khác nhau.
Tại phiên giao dịch, phần lớn các lĩnh vực đều có nhu cầu tuyển dụng lớn (trên 1.000 chỉ tiêu). Trong đó, chiếm lớn nhất là nhóm công nhân sản xuất làm việc trong nhà máy tại các KCN Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh...
Là địa phương có nhu cầu tuyển 100.000 người trong năm 2024 nên tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị bàn biện pháp hỗ trợ DN tuyển lao động phục vụ sản xuất - kinh doanh. Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bắc Giang cho biết riêng quý I, các DN tỉnh cần khoảng 20.000 người.
Tại hội nghị, nhiều DN cho rằng nhu cầu lớn nhưng số lượng tuyển được không đủ dù đã thực hiện nhiều hình thức như: sử dụng mạng xã hội, phối hợp ngành chức năng trong tỉnh và các tỉnh lân cận để thông tin; có cơ chế khuyến khích NLĐ tại công ty tham gia giới thiệu việc làm. Do vậy, không ít DN mong muốn Bắc Giang có giải pháp để thu hút người ngoài tỉnh đến làm việc.
Sở LĐ-TB-XH TP HCM cho biết trong tháng 2-2024, thành phố đã giải quyết việc làm cho 27.232 người, trong đó 14.461 người có việc làm mới. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, TP HCM đã giải quyết việc làm cho 54.579 người, trong đó 25.085 người có việc làm mới. So với cùng kỳ năm 2023, tỉ lệ giải quyết việc làm và tỉ lệ tạo việc làm mới tăng đáng kể. Thị trường lao động có nhiều khởi sắc, nhiều DN có nhu cầu tuyển dụng lên đến hàng ngàn lao động, tỉ lệ NLĐ trở lại làm việc sau Tết khá ổn định.
Cần đổi mới
Trung tâm DVVL TP HCM đang tổ chức và đa dạng các hoạt động kết nối việc làm, giúp NLĐ nhanh chóng có công việc phù hợp và DN sớm ổn định sản xuất. Ngoài ra, trung tâm còn tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ tại các DN sắp xếp lại lao động với số lượng lớn; thực hiện kịp thời các chính sách bảo hiểm thất nghiệp (trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề).
Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai, hiện tình hình đơn hàng của DN trên địa bàn tỉnh rất khả quan, nhiều DN đã ký được hợp đồng đến năm 2025 và có nhu cầu mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm hàng ngàn lao động. Một số ngành nghề gặp khó khăn về đơn hàng trong năm 2023 như gỗ, may mặc đã từng bước được phục hồi, giúp NLĐ có việc làm và thu nhập ổn định hơn trước.
Nhiều DN đang tăng cường đăng thông tin tuyển dụng lao động để bổ sung cho kế hoạch sản xuất - kinh doanh. Vì vậy, Sở LĐ-TB-XH tỉnh đang nỗ lực đồng hành để kết nối NLĐ với DN trên địa bàn.
Nhiều chuyên gia nhận định sự sôi động của thị trường lao động đến cả từ nhà tuyển dụng và NLĐ. Các DN sản xuất bắt đầu có đơn hàng, nhiều DN phục hồi mạnh mẽ như khối ngành điện tử nên nhu cầu tuyển dụng đã khởi sắc từ cuối năm 2023. Trong nửa đầu năm 2024, nhiều DN lớn có kế hoạch tuyển dụng nhiều nhân sự để thực hiện các hợp đồng đã ký.
Về phía NLĐ, ngay sau kỳ nghỉ Tết, nhiều người đã tìm kiếm việc làm bởi năm 2023 gặp nhiều thử thách trong công việc. Số lao động mới tham gia thị trường cũng đông đảo và số lao động hết hạn hợp đồng về nước đón xuân cũng gia nhập làn sóng tìm việc mới tại quê nhà. Đối với nhóm sinh viên mới tốt nghiệp, cơ hội việc làm trong năm nay cũng khá rộng mở trong các công việc bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải - logistics, dịch vụ nhà hàng - khách sạn, du lịch…
Chính phủ đã xác định thị trường lao động đóng vai trò trọng yếu của nền kinh tế. Vì vậy, thị trường lao động cần được đổi mới, phát triển phù hợp các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong năm 2024, Bộ LĐ-TB-XH quyết tâm phát triển thị trường lao động việc làm theo hướng bền vững; đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động giữa các vùng, khu vực, ngành nghề.
Bình luận (0)